Quốc tế
Đối thoại Shangri-La 2022: Hợp tác để bảo đảm an ninh, ổn định ở châu Á
Nhiều bài phát biểu của các nhà lãnh đạo và quan chức quốc phòng các nước tại Đối thoại Shangri-La 2022 diễn ra ở Singapore từ ngày 10 đến 12-6 mang thông điệp về sự hợp tác để ngăn chặn xung đột và theo đuổi hòa bình, thịnh vượng.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết thúc đẩy vai trò an ninh của quốc gia Đông Á này. Ảnh: Reuters |
Đối thoại Shangri-La 2022 được tổ chức trong bối cảnh tình hình quốc tế nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng có nhiều biến động khó lường. Cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn diễn biến phức tạp.
Nhật Bản sẽ “chủ động hơn bao giờ hết”
Hãng tin AP cho biết, phát biểu trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết nước này sẽ đóng vai trò tích cực hơn để ngăn chặn những hành động đơn phương nhằm “thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”. Theo ông Kishida, để tăng tốc nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản sẽ vạch ra một kế hoạch hành động, tập trung các lĩnh vực như an ninh hàng hải, muộn nhất vào mùa Xuân tới.
Lần đầu tiên phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác; đồng thời khẳng định Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước ở Thái Bình Dương là những đối tác quan trọng của Nhật Bản trong việc đưa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành khu vực tự do và rộng mở. Ông cam kết sẽ “chủ động hơn bao giờ hết” trong việc ứng phó với những thách thức và các cuộc khủng hoảng mà Nhật Bản, châu Á cũng như thế giới đang đối mặt. Theo đó, Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật định, bởi đây là nền tảng của hòa bình ở châu Á và xa hơn nữa.
Tổng cộng 18 lần Thủ tướng Nhật Bản nhắc đến từ “luật lệ” trong bài phát biểu. “Luật lệ phải được tôn trọng. Kể cả khi chúng trở nên bất tiện, không một ai được phép hành động như thể luật lệ không tồn tại, và cũng không một ai được phép đơn phương thay đổi luật lệ”, Thủ tướng Kishida khẳng định.
“Mỹ sát cánh cùng những người bạn của mình”
Trọng tâm bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11-6 xoay quanh những bước đi tiếp theo của Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, vốn đã được Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 2.
Theo AP, Bộ trưởng Austin phác thảo về một thế giới mà Mỹ đang tìm kiếm. “Đó là một thế giới trong đó tất cả các quốc gia- lớn và nhỏ - được tự do phát triển, theo đuổi các lợi ích của mình hợp pháp, không bị ép buộc và đe dọa”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh. Ông Austin khẳng định nền tảng chung của những điều đó là niềm tin vào trật tự tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cam kết về quyền tự do trên biển, trên không, ngoài vũ trụ và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Ông Austin cho biết, trong ngân sách cho năm tài chính 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử để duy trì an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khoản đầu tư này lên đến 6,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.
Trong bài phát biểu, ông Austin cam kết duy trì sự hiện diện chủ động của Mỹ trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 và hoạt động ở các khu vực được luật quốc tế cho phép cùng các đồng minh, đối tác. “Mỹ sẽ sát cánh cùng những người bạn của mình trong khu vực, vì các quyền của họ”, Bộ trưởng Austin nói.
Trung Quốc công bố lập trường về vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân
Thực tế cho thấy các cường quốc đều có những chiến lược nhằm định hình sự ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi đây là khu vực ưu tiên về an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trong khi đó, Trung Quốc với sáng kiến “Vành đai và con đường”, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh tại khu vực.
Hãng tin Reuters cho biết, trong bài phát biểu ngày 12-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cảnh báo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đang đẩy hai bên tới chỗ đối đầu. “Đối với chúng tôi, chiến lược này là một nỗ lực nhằm xây dựng một nhóm nhỏ độc quyền dưới danh nghĩa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhằm tấn công các quốc gia trong khu vực của chúng tôi và nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể”, ông Ngụy Phượng Hòa nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng tuyên bố Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân mới, song khẳng định nước này sẽ chỉ sử dụng với mục đích phòng vệ và sẽ không bao giờ là bên sử dụng vũ khí này trước. Đây là lần thứ hai liên tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tham dự đối thoại sau 8 năm vắng mặt.
Việt Nam tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình Trong bài phát biểu tại phiên thứ tư của Đối thoại Shangri-La 2022 ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Tăng cường khả năng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc,” trong đó nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, trong khi xu thế hòa bình, hợp tác phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc. Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định: Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang. Cũng theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, việc tăng cường năng lực quốc phòng cần phải minh bạch, bởi nếu không sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước; luôn mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng, để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Liên quan vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, có tính pháp lý rõ ràng hơn. TTXVN |
VĨNH AN