Quốc tế
Động đất tại Afghanistan: Nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn
Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cứu hộ, cứu trợ sau khi trận động đất xảy ra làm ít nhất 1.000 người chết và hơn 1.500 người bị thương tại Afghanistan sáng 22-6. Song, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Đoàn xe chở hàng cứu trợ như lều, chăn và thuốc men từ Islamabad (Pakistan) sẵn sàng đến các vùng thiệt hại do động đất ở Afghanistan. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, phát biểu từ Kabul, đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về hành lang nhân đạo ở Afghanistan, ông Ramiz Alakbarov, cho biết chính quyền quốc gia Nam Á này đã triển khai hơn 50 xe cứu thương và một số máy bay trực thăng tới tỉnh Paktika - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, đồng thời hỗ trợ tiền mặt cho gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, việc thiếu máy đào đang cản trở nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân đang bị kẹt dưới đống đổ nát.
Ưu tiên khẩn cấp hàng đầu là nơi trú ẩn
Theo các nhân viên hỗ trợ nhân đạo của LHQ, động đất xảy ra ở các khu vực đang chịu ảnh hưởng mưa lớn, vốn gây ra sạt lở đất đá và bùn lầy, cản trở các nỗ lực cứu hộ. Thời tiết không thuận lợi khiến trực thăng cứu trợ không thể hạ cánh xuống các khu vực bị ảnh hưởng.
LHQ đã chuyển khoảng 10 tấn trang thiết bị y tế cần thiết tới Afghanistan. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng một số tổ chức phi chính phủ điều các đội y tế lưu động, thuốc men và thiết bị y tế đến các tỉnh Paktika và Khost.
Ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, nói rằng nơi trú ẩn khẩn cấp là ưu tiên khẩn cấp hàng đầu, tiếp đó các ưu tiên khẩn cấp như chăm sóc chấn thương, cung cấp các mặt hàng phi thực phẩm, hỗ trợ thực phẩm, hỗ trợ vệ sinh nước và vệ sinh môi trường.
LHQ ước tính có khoảng 2.000 ngôi nhà bị phá hủy. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, đồng thời nhấn mạnh rằng lúc này là thời điểm của sự đoàn kết.
Chính quyền tỉnh Paktika ngày 23-6 xác nhận có ít nhất 1.000 người đã thiệt mạng và hơn 1.500 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân ở địa phương này. Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Paktika, ông Mohammad Amin Huzaifa, cho hay có nhiều người trong tình trạng nguy kịch. “Mọi người đang đào hết mộ này đến mộ khác. Trời đang mưa, tất cả nhà cửa đều bị phá hủy. Nhiều người vẫn kẹt dưới đống đổ nát”, ông Huzaifa nói. Các nhà chức trách ước tính số người thiệt mạng sẽ tăng lên.
Thách thức lớn cho chính quyền Taliban
Afghanistan thường xuyên hứng chịu động đất do nằm gần điểm giao nhau của các mảng kiến tạo Á - Âu và Ấn Độ. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất 5,9 độ Richter có tâm chấn nằm ở độ sâu khoảng 10km. Theo USGS, những trận động đất có tâm chấn ở độ sâu dưới 70km là “tâm chấn nông” và thường gây thiệt hại nặng nề hơn so với “tâm chấn sâu”. Thảm họa xảy ra ở khu vực miền đông có địa hình gồ ghề của Afghanistan, nơi người dân đang trải qua cuộc sống khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Taliban nắm quyền nước này vào tháng 8-2021.
Hơn nữa, động đất trùng với đợt mưa lớn do gió mùa gây ra trong khu vực. Những căn nhà xây dựng theo kiểu truyền thống, nhiều căn xây bằng bùn đất và các vật liệu tự nhiên khác nên đương nhiên dễ bị hư hại. Theo ông Najibullah Sadid, chuyên gia quản lý tài nguyên nước Afghanistan, thời điểm xảy ra động đất là sáng sớm, lúc mọi người đang ngủ và tâm chấn chỉ sâu 10km cũng góp phần khiến số thương vong tăng cao hơn.
Trận động đất đặt ra thách thức lớn cho Taliban. Ngay trước khi Taliban lên nắm quyền, các đội ứng phó khẩn cấp của Afghanistan đã gặp khó khăn trong việc xử lý các thảm họa thiên nhiên thường xuyên xảy ra. Vì vậy, bất kỳ phản ứng ngay lập tức nào đối với một trận động đất gây thương vong lớn như thế trong lúc này đều bị hạn chế. Afghanistan trải qua nhiều năm nội chiến và việc Taliban lên nắm quyền với những chính sách Hồi giáo nghiêm ngặt cũng khiến quốc gia Nam Á này gần như bị cô lập với quốc tế. “Chính phủ Afghanistan đang làm việc trong khả năng của mình. Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế và các cơ quan viện trợ cũng sẽ giúp đỡ người dân của chúng tôi trong tình huống thảm khốc này”, ông Anas Haqqani, quan chức cấp cao của Taliban, viết trên Twitter.
PHÚC NGUYÊN