Quốc tế
Kaliningrad - tâm điểm căng thẳng giữa Nga và châu Âu
Căng thẳng đang nóng lên ở Kaliningrad liên quan việc Lithuania cắt đứt con đường trung chuyển hàng hóa của Nga đến khu vực này. Kaliningrad - vùng lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược của Nga - đang trở thành điểm nóng tiếp theo giữa Moscow và Liên minh châu Âu (EU).
Xe tải tại trạm kiểm soát quốc tế Chernyshevskoye ở khu vực Kaliningrad của Nga, biên giới Nga - Lithuania, ngày 22-6. Ảnh: AP |
Tuần trước, Lithuania - thành viên EU - tiến hành cấm vận hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt đến vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga. Lithuania cho rằng, việc cấm tuyến vận tải đường sắt, đường bộ đến Kaliningrad thực hiện theo lệnh cấm vận của EU đối với Nga.
Trong khi đó, Nga coi động thái của Lithuania là “phong tỏa kinh tế” đối với vùng Kaliningrad, tuyên bố rằng hành động này vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Vilnius về bảo đảm quá trình vận chuyển hàng hóa không bị gián đoạn đến vùng lãnh thổ Nga.
Người đứng đầu Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolay Patrushev cảnh báo “cuộc phong tỏa” có thể dẫn đến phản ứng từ Moscow và sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến người dân Lithuania. Nga đã triệu tập Đại sứ Lithuania để phản đối, đồng thời cử Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrouchev đến Kaliningrad để xem xét tình hình. “Trong tương lai gần, nếu vận chuyển hàng hóa giữa vùng Kaliningrad và phần còn lại của Nga thông qua Lithuania không được khôi phục hoàn toàn, Nga có quyền thực hiện hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Theo chuyên gia Jeff Hawn về các vấn đề an ninh Nga thuộc Viện New Lines - trung tâm nghiên cứu địa chính trị của Mỹ, chuyến thăm Kaliningrad của ông Patrouchev là “một ví dụ về ý muốn thị uy chính trị nhằm cho thấy Moscow xem tình hình là rất hệ trọng”.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2, giới chuyên gia lo ngại Kaliningrad có thể trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Moscow với châu Âu. Đây là lãnh thổ cực tây của Nga, có diện tích khoảng 15.000km2 và khoảng 500.000 dân sinh sống, hoàn toàn tách biệt với Nga. Vùng lãnh thổ này giáp biển Baltic về phía tây và nằm kẹp giữa Lithuania, Ba Lan - hai quốc gia vừa thuộc EU, vừa thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Vị trí của Kaliningrad ngay bên bờ biển Baltic, lại nằm ngay trong lòng EU và NATO. Nga coi vùng lãnh thổ này là một tiền đồn quân sự, nơi đặt bản doanh Hạm đội Baltic của Moscow, được trang bị vũ khí hùng hậu, với các loại chiến đấu cơ tối tân, như Mig-31K, có thể mang theo tên lửa siêu thanh. Đặc biệt, loại tên lửa Iskander với tầm hoạt động từ 400-500km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, qua đó đặt nhiều thủ đô lớn của phương Tây trong tầm bắn... Nga còn tăng cường phòng thủ bằng hệ thống tên lửa SSC-5 Bastion có tầm bắn đến 300km và tên lửa SSC 1 Sepal có tầm bắn 450km. Tổng cộng quân số Nga được triển khai tại Kaliningrad ước tính lên đến 30.000 người.
Mỹ và các đồng minh NATO coi Kaliningrad là “cái gai” cả về quân sự lẫn kinh tế. Trong khi đó, Nga từ lâu đã phản đối hiện diện quân sự của các nước NATO xung quanh Kaliningrad. Do phản ánh rõ những căng thẳng chính trị và ngoại giao nên Kaliningrad từng được xem như là chiếc nhiệt kế đo lường mối quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Lithuania đã giảm đáng kể sự phụ thuộc về kinh tế và năng lượng vào Nga khi gần đây là nước EU đầu tiên dừng sử dụng khí đốt của Moscow. Nước này cũng không còn nhập khẩu dầu Nga và đã dừng nhập khẩu điện từ Nga.
Có thể nói, việc Lithuania cấm Nga vận tải hàng hóa bằng đường sắt và đường bộ đến Kaliningrad sẽ bị Moscow đặt ra “lằn ranh đỏ” thứ hai sau Ukraine, đồng thời có nguy cơ biến thành một thùng thuốc súng, kéo Nga và NATO vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
TUYẾT MINH