Quốc tế

Mỹ và Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên

08:43, 15/06/2022 (GMT+7)

Mỹ và Hàn Quốc cảnh báo sẽ phản ứng nhanh chóng nếu CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân, nhưng nhấn mạnh vẫn sẵn sàng đối thoại hòa bình với Bình Nhưỡng.

Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn vấp phải sự phản đối của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn vấp phải sự phản đối của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Park Jin ngày 13-6 tại thủ đô Washington, D.C, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, cường quốc này vẫn duy trì áp lực với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng thay đổi hướng đi. “Mỹ đang phối hợp với đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để bảo đảm khả năng đáp trả nhanh chóng nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân. Chúng tôi cũng sẵn sàng điều chỉnh trạng thái quân sự ngắn hạn và dài hạn theo cách phù hợp. Áp lực sẽ duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng thay đổi đường lối”, Reuters dẫn lời ông Blinken nói.

Ông Blinken tái khẳng định Washington “không có ý định thù địch” với Bình Nhưỡng và vẫn duy trì cam kết theo đuổi biện pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Song, Ngoại trưởng Mỹ cho biết Bình Nhưỡng chưa phản hồi về các đề xuất đối thoại.

Về phía Hàn Quốc, Ngoại trưởng Park Jin kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục đồng minh Triều Tiên ngừng thử hạt nhân. Theo ông, Triều Tiên đang đứng trước sự lựa chọn: đối đầu hoặc đối thoại - thử hạt nhân và đối mặt với các biện pháp trừng phạt, hoặc trở lại ngoại giao và đối thoại. “Tôi nghĩ Trung Quốc nên đóng vai trò chủ động trong việc thuyết phục Triều Tiên rằng, việc theo đuổi hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên đòi hỏi họ phải có tư duy mới”, ông Park Jin nói.

Chính Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 14-6 khẳng định Triều Tiên đang sẵn sàng thực hiện một vụ thử hạt nhân bất kỳ lúc nào theo chỉ đạo của ông Kim Jong-un. Những đồn đoán về khả năng Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân dấy lên trong thời gian gần đây trong lúc có thông tin cho rằng nước này đã hoàn tất các công việc chuẩn bị tại bãi thử phía đông bắc ở Punggye-ri.

Bình Nhưỡng đã thực hiện tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân tại địa điểm này (vào tháng 10-2006, tháng 5-2009, tháng 2-2013, tháng 1-2016, tháng 9-2016 và lần thử lớn nhất vào tháng 9-2017). Vụ thử thứ 7 được cho là sắp diễn ra sau 5 năm gián đoạn.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang suốt nhiều tuần qua. Triều Tiên đã phóng hàng loạt tên lửa kể từ đầu năm đến nay, đồng thời tăng cường hoạt động tại các địa điểm thử tên lửa và hạt nhân quan trọng. Một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên có thể sẽ sử dụng vụ thử thứ 7 để chế tạo đầu đạn gắn trên vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào các mục tiêu ở Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người vừa nhậm chức hồi tháng 5-2022, tuyên bố sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden ở Seoul hồi tháng trước, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất phương án nâng cấp các cuộc tập trận chung và trạng thái răn đe đối với Bình Nhưỡng. Giờ đây, một quan chức Hàn Quốc nói rằng, Seoul và Washington đang thảo luận về các biện pháp ứng phó, trong đó có cả những biện pháp thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, ngày 13-6, Tổng thống Joe Biden quyết định duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với Triều Tiên. Theo Đạo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia (National Emergencies Act) được lập năm 1976, Tổng thống Mỹ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp và mở rộng quyền hạn hành chính khi phát sinh nguy cơ quốc gia.

Hiện Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều theo dõi mọi động thái từ Triều Tiên nhưng dường như không có câu trả lời đích xác về tính toán của Bình Nhưỡng. Các nước này liên tục nhóm họp để thúc đẩy sự hợp tác trong việc sẵn sàng ứng phó với Bình Nhưỡng nhưng vẫn để ngỏ một cánh cửa chờ đàm phán.

PHÚC NGUYÊN

.