Quốc tế

Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến "lục địa già"

08:44, 23/07/2022 (GMT+7)

Trong khi nhiều nước châu Âu tìm mọi cách tạo nguồn khí đốt dự trữ cho mùa đông sắp đến, thậm chí tái khởi động nhiều nhà máy điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch, thì cùng lúc hàng chục nước ở “lục địa già” cũng đang đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục, gây ra hạn hán và nạn cháy rừng vô cùng nghiêm trọng.

Trong những ngày qua, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và một phần rộng lớn tây nam châu Âu đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt thứ hai trong vòng một tháng nay. Nhiệt độ tại các nước này trong những ngày cuối tuần thậm chí tăng lên ở mức 45°C, tùy theo từng khu vực.

Vương quốc Anh lần đầu tiên đặt miền nam vào “báo động đỏ” khi nhiều thành phố hứng chịu nắng nóng lên đến hơn 40 độ C- mức cao chưa từng tại nước này. Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao “châm ngòi” cho hàng loạt các vụ hỏa hoạn lớn, thiêu rụi hàng chục nghìn ha rừng. Tại Pháp, theo Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, đây là đợt nắng nóng thứ 45 tại Pháp kể từ năm 1947. Trong vòng 35 năm qua, số đợt nắng nóng tăng gấp 3 lần so với 35 năm trước đó. Còn số ngày nắng nóng đã tăng gấp 9 lần. Cơ quan này đặt 38 tỉnh, thành phố trong diện báo động đỏ do nhiều vụ cháy rừng diễn ra. Đặc biệt, tại Tây Ban Nha nhiệt độ cũng tăng cao trên toàn lãnh thổ từ đầu tháng 6 với đỉnh điểm lên đến 43°C, gây ra nhiều trận cháy ở vùng Catalunia và tây bắc.

Theo Cơ quan chuyên theo dõi rừng của châu Âu, diện tích rừng bị cháy tính từ đầu năm đến ngày 16-7 tại 27 nước châu Âu là hơn 5.000km², vượt quá diện tích 4.700km² rừng cháy năm 2021.

Bên cạnh đó, “lục địa già” còn đối mặt với nạn hạn hán ở mức hiếm thấy. Ngày 18-7, một cơ quan nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC) công bố báo cáo về tình trạng khô hạn ở châu Âu cho thấy, hơn một nửa diện tích của Liên minh châu Âu (EU) được đặt trong tình trạng cảnh báo hoặc báo động hạn hán. Tại Ý, hiện tượng đất khô cằn dưới tác động của nắng nóng gay gắt, khiến vùng đồng bằng Po ở phía bắc đối mặt với trận hạn hán tệ hại nhất trong 70 năm qua. Mức độ cảnh báo thứ hai là đất thiếu độ ẩm. Gần như toàn bộ châu Âu bị ảnh hưởng, đặc biệt là Thụy Điển, Ba Lan, Rumani, nửa phía bắc của nước Ý và Đức, Bồ Đào Nha hoặc Anh. Mức báo động tối đa là “căng thẳng thực vật” do đất bị thiếu độ ẩm và thảm thực vật bị thâm hụt. Tây Ban Nha là nước chịu tổn thất nặng nề nhất trong đợt khô hạn vừa qua với hơn 500 người chết do nắng nóng. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định nắng nóng là “vấn đề khí hậu khẩn cấp”.

Giới khoa học cũng cho rằng, hiện tượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ làm cho những đợt nắng nóng xảy ra nhiều hơn, gay gắt hơn và kéo dài hơn - chỉ dấu rõ nét của hiện tượng biến đổi khí hậu. Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng, tình hình thực tế sẽ nghiêm trọng hơn cả mức báo động. Cho dù hành tinh chỉ nóng hơn 1,5 độ C - vốn là mục tiêu tham vọng nhất đàm phán được đặt ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris, các nhà khoa học vẫn phải lo ngại về khả năng sẽ xảy ra nhiều các đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn gấp 4 lần. Và trên hết, trái đất ngày càng ấm lên thì các đợt nắng nóng này càng nhiều. Nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ C, các đợt nắng nóng có thể sẽ tăng lên 5-6 lần.

Hiện tại, so với thời kỳ tiền công nghiệp, trái đất ấm lên 1,2 độ. Các chuyên gia LHQ ước tính, theo các cam kết hiện tại, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm 2,7 độ, mức tăng bị xem là “thảm họa”, dẫn đến khả năng các đợt nắng nóng cực đoan xảy ra nhiều gấp ít nhất cũng 6 lần. Nếu đáp ứng các mục tiêu mà Thỏa thuận Khí hậu Paris đề ra thì có 14% dân số thế giới sẽ phải hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt cứ 5 năm một lần. Nhưng nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, thì hơn 1/3 dân số toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng.

Các nhà khoa học đồng tình rằng, nếu các nước không cắt giảm mạnh khí thải nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, thì các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán sẽ trở nên tồi tệ hơn không chỉ ở “lục địa già” mà trên phạm vi toàn cầu.

TUYẾT MINH

.