Quốc tế
Hàng không châu Âu hỗn loạn do đình công
Hoạt động hàng không ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi nhiều sân bay và hãng hàng không thiếu hụt nhân viên do các cuộc biểu tình, đình công diễn ra kể từ đầu mùa hè.
Hàng ngàn hành khách chờ đợi ở sân bay Heathrow (London, Anh), một trong những sân bay luôn đông đúc nhất thế giới. Ảnh: Getty Images |
Theo hãng tin Reuters, tình trạng hỗn loạn trong hoạt động hàng không ở Tây Ban Nha đang trở nên trầm trọng khi phi hành đoàn của các hãng hàng không EasyJet và Ryanair cùng đình công. Tính đến chiều 15-7, có 28 chuyến bay bị hủy và 123 chuyến bị hoãn tại Tây Ban Nha. Nhân viên Ryanair dự kiến tiếp tục đình công từ ngày 18 đến 21-7 và từ 25 đến 28-7. Trong khi đó, EasyJet có động thái tương tự từ ngày 29 đến 31-7.
Tại Đức, Fraport AG - đơn vị điều hành sân bay Frankfurt - thông báo sẽ gửi đơn lên Bộ Giao thông vận tải Đức vào đầu tuần này để xin cắt giảm số lượng chuyến bay từ 96 xuống 88 chuyến/giờ do thiếu nhân sự.
Tại Bỉ, Brussels Airlines hủy 675 chuyến bay vào mùa hè này, trong khi sân bay Schiphol (Amsterdam, Hà Lan) - trung tâm giao thông hàng không quan trọng nhất ở châu Âu - buộc phải giảm số lượng chuyến bay vì không có đủ nhân viên để cung cấp các dịch vụ mặt đất.
Tương tự, lãnh đạo hãng hàng không ở Pháp đã xin lỗi hành khách sau sự cố gián đoạn chuyến bay trong những ngày gần đây, đặc biệt do một cuộc đình công của nhân viên tại sân bay Roissy, nơi hàng nghìn kiện hành lý vẫn đang bị phong tỏa. Scandinavian Airlines (SAS) của Thụy Điển thông báo hủy 50% chuyến bay sau cuộc đình công của các phi công, trong khi hãng đang ráo riết tìm kiếm các nhà đầu tư mới. Sân bay Heathrow (London, Anh) yêu cầu các hãng hàng không ngừng bán vé từ nay đến hết hè. Heathrow chỉ phục vụ 100.000 hành khách mỗi ngày cho đến 11-9.
Theo số liệu mới nhất của Công ty phân tích chuyến bay toàn cầu Citrium, các hãng hàng không buộc phải thông báo hủy 25.378 chuyến bay trong tháng 8-2022, trong đó có 15.788 chuyến ở châu Âu. Tình trạng thiếu hụt nhân viên nghiêm trọng đang xảy ra tại các hãng hàng không ở “lục địa già” do một phần nhân lực bị sa thải hoặc nghỉ việc trong đợt bùng phát Covid-19. Ngoài ra, các cuộc đình công đòi tăng lương diễn ra trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao khiến đời sống gặp khó khăn.
NGHI VĂN