Đà Nẵng cuối tuần
8 tỷ dân - câu chuyện về thành công
Con số 8 tỷ dân của thế giới vào ngày 15-11-2022 là bằng chứng về sự tiến bộ vượt bậc, là câu chuyện về thành công, nhưng cơ hội và thách thức vẫn còn ở phía trước.
Liên Hợp Quốc dự báo Ấn Độ sẽ có dân số đông nhất thế giới vào năm 2023. TRONG ẢNH: Một khu chợ đông đúc trên đường phố ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: AP |
Báo cáo của Cơ quan Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc có tên “Dự báo Dân số thế giới 2022” cho biết, tốc độ gia tăng dân số thế giới ở mức dưới 1% vào năm 2020, mức tăng chậm nhất kể từ năm 1950. Dân số thế giới hiện tại là 7,94 tỷ người và sẽ chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15-11 tới.
Sự đa dạng nhân khẩu học chưa từng có
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gọi 2022 là “một năm cột mốc” với việc chào đón công dân thứ 8 tỷ của trái đất. Theo ông, đây là cơ hội để minh chứng sự đa dạng nhân khẩu học chưa từng có, đồng thời cho thấy sự tiến bộ trong việc chăm sóc sức khỏe để kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Song, con số này nhắc nhở về trách nhiệm trong việc quan tâm đến hành tinh cũng như suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết, bởi dân số ngày càng gia tăng và già hóa tạo ra những thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, tác động tới việc bảo đảm chất lượng cuộc sống.
TS. Natalia Kanem, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nhận định: Mặc dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng cột mốc 8 tỷ người là câu chuyện về thành công, chứ không phải là điều khiến quá nhiều người sợ hãi. “Đây là câu chuyện thành công, không phải kịch bản về ngày tận thế. Bất chấp những thách thức, thế giới của chúng ta là thế giới mà tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử”, bà Kanem nói.
"Con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm cho thấy, đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững” TS. Natalia Kanem, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) |
Người đứng đầu UNFPA cho rằng, để thích ứng với sự thay đổi nhân khẩu học, cần phải bắt đầu bằng một cam kết, đó là không chỉ đếm số lượng người trên thế giới, mà còn là nhận ra các cơ hội để phát triển và vượt qua thách thức.
Bà Kanem kêu gọi thay đổi các chuẩn mực xã hội tạo ra sự phân biệt đối xử gây cản trở tới sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Khi ai cũng được hưởng cuộc sống khỏe mạnh, được trao quyền và cơ hội thì nhân loại sẽ có chiếc chìa khóa vạn năng để khai phá tiềm năng của tất cả mọi người, từ đó giải quyết những thách thức đang đe dọa xã hội và các vấn đề toàn cầu khác.
Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất
Theo báo cáo của Cơ quan Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc, dân số thế giới có thể đạt mốc 8,5 tỷ người vào năm 2030; 9,7 tỷ người vào năm 2050; lên tới khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080 và ổn định ở mức này cho đến năm 2100. Hơn 50% dự báo về gia tăng dân số trong những thập niên tới tập trung tại 8 nước gồm: Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.
Đáng chú ý, dân số Ấn Độ hiện là 1,412 tỷ người, trong khi dân số Trung Quốc là 1,426 tỷ. Ấn Độ sẽ vượt lên và trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm sau 2023. Hai cụm khu vực tập trung đông dân nhất trong năm 2022 đều ở châu Á (Đông Á - Đông Nam Á và Trung Á - Nam Á) với lần lượt khoảng 2,3 tỷ người (chiếm 29% tổng dân số toàn cầu) và 2,1 tỷ người (chiếm 26% dân số toàn cầu).
Liên Hợp Quốc cũng dự đoán: Năm 2050, Mỹ sẽ xếp sau Ấn Độ và Trung Quốc về số dân. Nigeria xếp thứ 4; tiếp đó lần lượt là Pakistan, Indonesia, Brazil, Congo, Ethiopia và Bangladesh. Nga và Mexico trong top 10 quốc gia đông dân nhất năm 2022 sẽ mất vị trí thứ 9 và 10 vào năm 2050.
Năm 2022, tỷ lệ nam giới (50,3%) nhiều hơn so với nữ giới (49,7%). Dự báo con số này sẽ dần đảo ngược và đến năm 2050, số nữ giới sẽ bằng số nam giới. Ngoài ra, năm 2018 ghi nhận số người từ 65 tuổi trở lên lần đầu tiên nhiều hơn số trẻ em dưới 5 tuổi. Năm 2022, có 771 triệu người từ 65 tuổi trở lên, gấp 3 lần so với năm 1980 (258 triệu người). Dân số già sẽ đạt 994 triệu người vào năm 2030 và 1,6 tỷ người vào năm 2050. Đến năm 2050, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ gấp đôi so với số trẻ em dưới 5 tuổi và số người từ 65 tuổi trở lên cũng sẽ gần bằng số trẻ em 5-12 tuổi.
KHÁNH LINH (theo AP, CNN, CNBC)