Quốc tế

Khủng hoảng chính trị ở Ý tác động gì đến EU?

08:55, 26/07/2022 (GMT+7)

Ngày 21-7 vừa qua, lần thứ hai, Thủ tướng Ý Mario Draghi đệ đơn từ chức lên Tổng thống sau khi 3 đảng trong liên minh cầm quyền từ chối tham gia biểu quyết tín nhiệm để ông có thể tiếp tục điều hành đất nước. Cùng ngày, Tổng thống Ý Sergio Mattarella chấp nhận đơn từ chức Thủ tướng, thông báo giải thể Quốc hội, tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 25-9.

Dư luận Ý hoàn toàn bất ngờ trước các diễn biến trên chính trường vào lúc Rome đang tập trung mọi nỗ lực để khởi động lại cỗ máy kinh tế, giải quyết tình trạng khan hiếm năng lượng, lạm phát và thách thức từ xung đột ở Ukraine.

Đặc biệt, trước sự tan rã của Chính phủ do Thủ tướng Draghi đứng đầu, nhiều chính khách của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại về nguy cơ EU rơi vào bất ổn và chia rẽ trong khi rất cần đến sự đoàn kết để đối phó với Nga. Trước đó, sau khi Pháp bầu cử Quốc hội, phe của Tổng thống Emmanuel Macron không giành được đa số ủng hộ để quyết định các chính sách. Đánh giá về sự kiện này, nhật báo Libération (Pháp) có hàng tựa lớn: “Khủng hoảng ở Ý: Draghi rớt đài, châu Âu run rẩy”. Theo tờ báo, Thủ tướng Ý luôn coi trọng việc bảo đảm sự ổn định tiền tệ. Việc ông từ chức có nguy cơ làm suy yếu EU, vốn bị đẩy vào tình trạng căng thẳng, cùng với xung đột ở Ukraine và nạn lạm phát. Nhật báo Le Figaro (Pháp) đăng tải hàng tít lớn trang nhất: “Mario Draghi ra đi, nước Ý lâm vào tình thế bấp bênh”, đồng thời cũng có bài đề cập đến nguy cơ “Châu Âu phải đối phó với một ván bài phức tạp”.

Trong khi đó, giới quan sát chính trị ví sự kiện ông Draghi từ chức là “phát súng cảnh cáo mới” cho EU, vốn đang gánh chịu hàng loạt thách thức lớn. EU sẽ phải ứng phó với 2 vấn đề mới: sự ra đi sắp tới đây của một lãnh đạo có uy tín ở châu Âu (nghĩa là sau Thủ tướng Anh Boris Johnson) và cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia lớn thứ ba là Ý trong khu vực Eurozone (sau Đức và Pháp) đang oằn mình bởi món nợ khổng lồ không dưới 150% GDP.

Mối lo ngại khác đối với EU là nguy cơ phe cực hữu lên cầm quyền ở Ý. Đó là Liên minh “trung hữu”, quy tụ Forza Italia, đảng cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và hai đảng cực hữu là đảng Lega của ông Matteo Salvini và đảng Fratelli d’Italia hiện đang chiếm ưu thế. Tuy không kêu gọi ra khỏi EU nhưng Fratelli d’Italia chủ trương xét lại các hiệp ước và thay thế EU bằng một “Liên đoàn các quốc gia”. Dư luận EU còn lo lắng trước nguy cơ cánh hữu cực đoan của ông Berlusconi và cánh cực hữu Ý của Lega trở lại nắm quyền ở Rome, như vào thời lãnh đạo đảng Lega do Matteo Salvini làm Thủ tướng gần đây. Nếu điều đó diễn ra thì lập trường thống nhất của châu Âu về xung đột ở Ukraine đang gặp nguy hiểm.

Thậm chí giới quan sát còn nhìn xa hơn về một mối lo cụ thể khác đối với EU là việc ECB sau 11 năm đã tăng các lãi suất chỉ đạo và cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giới đầu cơ tiền tệ hoành hành, như điều đã từng xảy ra tại Hy Lạp trước đây, với các cuộc tấn công đầu cơ chống lại Ý và thậm chí tất cả các nước của Eurozone. Diễn biến cho thấy, các thị trường đặt cược vào khả năng Ý gặp rủi ro tài chính khi coi nền kinh tế lớn thứ ba của châu Âu là mắt xích yếu mới trong Eurozone. Trong khoảng 6 tháng, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng từ 1,3 lên 3,5%, do đó làm tăng chi phí nợ công.

Sự ra đi của ông Draghi có ảnh hưởng đến toàn châu lục bởi ông là cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Ý rồi sau đó lên làm Chủ tịch ECB, là hiện thân của sự ổn định trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế nhiều biến động.

Có thể nói, đối với châu Âu nói chung, EU nói riêng, khủng hoảng chính trường Ý với sự ra đi của ông Draghi tác động tiêu cực không chỉ về ý chí chính trị để giải quyết hàng loạt thách thức nghiêm trọng, mà còn có nguy cơ khoét sâu tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong EU, nhất là khi lực lượng cánh hữu quay trở lại nắm quyền sau ngày 25-9 tới đây.

 TUYẾT MINH

.