Quốc tế

Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - CEEC rạn nứt

08:57, 16/08/2022 (GMT+7)

Được thành lập vào năm 2012 tại Budapest (Hungary), Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc với Trung và Đông Âu (Trung Quốc-CEEC) mang sứ mệnh tăng cường phối hợp giữa các nước thành viên và thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc, qua đó tạo ra cơ hội phát triển đầy hứa hẹn cho cả Bắc Kinh và “lục địa già” ở nhiều lĩnh vực. Song, trong thời gian gầy đây, tổ chức hợp tác này đang phơi bày dấu hiệu rạn nứt.

Ngày 22-5-2021, bước ngoặc đáng chú ý là khi Lithuania tuyên bố rút khỏi Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - CEEC với vai trò chủ đạo của Bắc Kinh khi cho rằng nhóm này “gây chia rẽ” giữa các nước thành viên và khu vực. Vilnius cũng thúc giục những nước còn lại nên có động thái tương tự. Thư điện tử trước đó một ngày của Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis khi trả lời trang Politico cho rằng Liên minh châu Âu (EU) mạnh hơn khi toàn bộ 27 nước thành viên cũng hành động với các thể chế của EU.

Đặc biệt, việc Lithuania cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở văn phòng đại diện tương đương với một đại sứ quán tại Vilnius ngay lập tức tạo ra “cú sốc” trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc lên tiếng phản đối và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Lithuania. Hơn thế nữa, Bắc Kinh tiến hành chiến dịch tấn công kinh tế toàn diện nhằm vào Vilnius, gồm ngăn chặn hàng hóa xuất nhập khẩu; cấm cửa nhiều giao dịch khác về kinh tế-văn hóa; hoặc buộc các công ty đa quốc gia của Đức, Pháp không làm ăn với Lithuania…

Trước hàng loạt hành động của Trung Quốc nhằm vào Lithuania, EU chính thức kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 27-1-2022 với cáo buộc Bắc Kinh có các hành vi thương mại phân biệt đối xử đối với Lithuania, nước thành viên của EU và đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu. Nhật báo Le Monde ngày 27-1 cũng trích dẫn lời của Sébastien Jean, nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu Pháp CEPII, phân tích việc EU kiện Trung Quốc cho hay: “Tính biểu tượng của đơn kiện này quan trọng vì đồng nghĩa với việc tố cáo Trung Quốc lạm dụng và thao túng hệ thống WTO, một tổ chức mà nước này luôn bảo vệ”.

Cùng với EU, Mỹ cũng cử đại diện đến Vilnius để thảo luận việc thực hiện bản ghi nhớ trị giá 600 triệu USD về mở rộng cơ hội cho các nhà xuất khẩu Mỹ và khách hàng Lithuania trong các lĩnh vực như: công nghệ cao, dịch vụ kinh doanh và năng lượng tái tạo… Ngoài ra, Washington hứa sẽ cùng với Vilnius ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở vùng Bantic nói riêng và EU nói chung.

Trong một diễn biến đáng quan ngại khác, ngày 11-8 vừa qua, theo chân nước láng giềng Lithuania, hai nước Baltic còn lại là Latvia và Estonia cũng tuyên bố rút khỏi Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - CEEC.

Trong bản tuyên bố, Bộ Ngoại giao Latvia xác định, việc họ tiếp tục tham gia vào cơ chế hợp tác với Trung Quốc sẽ không còn phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Latvia trong môi trường quốc tế hiện nay. Song, Latvia vẫn cố gắng duy trì “các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực tế với Trung Quốc, cả trên bình diện song phương lẫn thông qua hợp tác EU-Trung Quốc dựa trên lợi ích chung” nhưng trên cơ sở “tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Estonia cũng đưa ra tuyên bố tương tự, đồng thời nhắc lại rằng, họ đã tham gia nhóm các nước Trung và Đông Âu hợp tác với Trung Quốc từ năm 2012 nhưng đã không tham dự bất kỳ cuộc họp nào của nhóm này từ sau Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 vừa qua.

Như vậy, cùng với Lithuania, quyết định của Latvia và Estonia cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng khi đã có 3 thành viên quyết định rời khỏi Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-CEEC. Giới quan sát đánh giá động thái này là một thất bại mới của Trung Quốc trong chiến lược “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

TUYẾT MINH

.