Quốc tế

Giá dầu sẽ tiếp tục "hạ nhiệt" trước kỳ vọng tăng nguồn cung

08:56, 16/08/2022 (GMT+7)

Việc Saudi Aramco, tập đoàn xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới của Saudi Arabia hứa hẹn tăng sản lượng và các giàn khoan ngoài khơi Vịnh Mexico sản xuất trở lại phát tín hiệu tích cực cho thấy giá dầu thế giới sẽ tiếp tục đà giảm, qua đó phần nào xoa dịu “nỗi ám ảnh” lạm phát toàn cầu.

Quang cảnh nhà máy lọc dầu Los Angeles (phía trước) và các bồn chứa dầu mỏ tinh chế tại cảng Kinder Morgan Carson (phía sau) ở California (Mỹ). Ảnh: Reuters.
Quang cảnh nhà máy lọc dầu Los Angeles (phía trước) và các bồn chứa dầu mỏ tinh chế tại cảng Kinder Morgan Carson (phía sau) ở California (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô Brent (được coi là tiêu chuẩn tham chiếu của giá dầu quốc tế) giao kỳ hạn giảm 3,49 USD, tương đương 3,56%, xuống mức 94,66 USD/thùng vào lúc 9 giờ 45 ngày 15-8 sau khi giảm 1,5% vào ngày 12-8. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,06 USD, tương đương 1,2% xuống còn 88,77 USD sau khi “lao dốc” 2,4% trong phiên trước.

“Đế chế dầu mỏ” vùng Vịnh sẵn sàng tăng sản lượng

Theo hãng tin Reuters, “gã khổng lồ” Saudi Aramco sẵn sàng nâng sản lượng dầu thô lên mức tối đa 12 triệu thùng/ngày. Giám đốc điều hành Saudi Aramco, ông Amin Nasser cho biết: “Chúng tôi tự tin về khả năng tăng lên 12 triệu thùng/ngày bất cứ lúc nào có nhu cầu hoặc lời kêu gọi từ chính phủ hoặc từ Bộ Năng lượng”. Theo S&P Global Ratings, Saudi Aramco sẽ sản xuất 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2025, 12,7 triệu thùng/ngày vào năm 2026 và 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.

Trong khi đó, Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. công bố, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ tăng thêm 3 lên 601 trong tuần trước. Hiện các nhà khai thác dầu ngoài khơi Vịnh Mexico đang khởi động lại sản lượng sau sự cố rò rỉ ở trạm tăng áp Fourchon khiến các giàn khoan phải tạm ngừng hoạt động.

Theo giới quan sát, đà giảm của giá dầu có thể phần nào chịu tác động từ các quốc gia tiêu thụ lớn bao gồm Mỹ và các nước châu Âu khi những nước này đang thúc giục các nhà sản xuất tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung khan hiếm và “hãm phanh” tình trạng lạm phát cao.

Đa dạng nguồn cung

Hãng INA dẫn báo cáo hàng tháng mới công bố của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, OPEC đã nâng nguồn cung dầu thô trong tháng 7 của một số nước thành viên. Cụ thể, sản lượng của 13 nước thành viên trong tháng 7 tăng thêm 216.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt tổng cộng 28,896 triệu thùng/ngày, nhờ nguồn cung gia tăng tại 7 nước thành viên, trong đó có Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Theo Reuters, Mỹ và một số nước đồng minh tiêu thụ dầu thô lớn sẽ bắt đầu kế hoạch xả kho dự trữ. Trong khi đó, OPEC+ vẫn sẽ duy trì chiến lược tăng sản lượng theo thỏa thuận. Bên cạnh đó, EU nới lỏng hạn chế đối với việc cung cấp dầu thô Nga cho các nước ngoài khối. Mỹ cũng đang thuyết phục nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ủng hộ cơ chế trần giá nhằm cho phép dầu Nga được bán cho các nước thứ ba miễn sao nước đó chấp nhận trả mức giá thấp hơn giá thị trường cho lô hàng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo sản lượng dầu Nga trong 6 tháng cuối năm nay thêm 500.000 thùng/ngày và trong năm 2023 thêm 800.000 thùng.

Tuần này, thị trường dầu cũng dõi theo “số phận” vòng đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 - Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Việc Iran và Mỹ chấp nhận lời đề nghị từ EU về khôi phục JCPOA sẽ giúp dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran, mở ra triển vọng nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường vẫn đang “khát” dầu. Ngày 14-8, Cơ quan Kế hoạch và Ngân sách Iran (PBO) cho biết chính phủ đã ký kết các thỏa thuận về kích hoạt gói đầu tư 29 tỷ USD vào các dự án dầu mỏ và khí đốt của quốc gia Trung Đông này, trong đó có dự án phát triển mỏ dầu chung Azadegan trị giá 7 tỷ USD và xây dựng 2 nhà máy hóa dầu với tổng kinh phí 19 tỷ USD.

Trong khi đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu trong thời gian tới vẫn bị “phủ bóng” bởi lo ngại về tình hình kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Ông Heron Lin, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics, cho biết: “Dữ liệu chính thức cho thấy nhu cầu dầu mỏ đang suy yếu do dịch vụ hậu cần trong nước và nhu cầu tiêu dùng của người dân bị ảnh hưởng bởi giá dầu cao kỷ lục trước đó”. Theo đó, nhu cầu dầu mỏ có thể tiếp tục theo xu hướng giảm trong thời gian còn lại của năm nay do triển khai các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ngày 14-8, Saudi Aramco - tập đoàn lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường - công bố lợi nhuận ròng tăng vọt 90% trong quý 2-2022 nhờ giá dầu tăng cao và tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở mảng lọc hóa dầu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và nhu cầu tăng sau Covid-19. Chính điều kiện thị trường thuận lợi đã giúp thu nhập ròng của tập đoàn này tăng từ 25,5 tỷ USD trong quý 2-2021 lên 48,4 tỷ USD vào quý 2-2022, vượt xa ước tính ban đầu của giới chuyên gia.

THƯ LÊ

.