Quốc tế
Khó khăn bủa vây kinh tế Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc đang bị phủ bóng bởi loạt thách thức cùng lúc trong bối cảnh nước này vẫn kiên định với biện pháp phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt. Thị trường bất động sản gặp khó, thương mại dịch vụ quốc tế suy giảm và xu hướng “giảm vay nợ, tăng tiết kiệm” ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Giới phân tích lo ngại việc cắt giảm lãi suất khó vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc trong ngắn hạn. TRONG ẢNH: Khu phức hợp bất động sản được phát triển bởi Poly Group ở Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images |
Kinh tế Trung Quốc suýt tăng trưởng âm trong quý 2-2022 do chính sách chống Covid-19 trên diện rộng và khủng hoảng bất động sản ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các số liệu kinh tế gần đây cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm tốc mạnh trong tháng 7.
Nhiều lĩnh vực trọng yếu gặp khó
Theo hãng tin Reuters, ngày 23-8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này đang đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong thương mại dịch vụ quốc tế khi Covid-19 bùng phát làm hạn chế hoạt động thương mại xuyên biên giới, triển lãm, làm sụt giảm mạnh các đơn đặt hàng, khiến hàng loạt nhà sản xuất bi quan về triển vọng sản xuất, kinh doanh sắp tới.
Trước thềm Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc (CIFTIS), quan chức cấp cao Bộ Thương mại Trung Quốc thông tin: “Một số doanh nghiệp thương mại dịch vụ phải đối mặt với các sức ép, trong đó có không đủ đơn đặt hàng và chi phí sản xuất tăng cao. Kỳ vọng kinh doanh của họ thực sự không ổn định”. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn có khả năng phòng tránh rủi ro tương đối yếu, phải chịu áp lực lớn hơn để duy trì hoạt động.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, thương mại dịch vụ của Trung Quốc sẽ còn đối mặt với rủi ro do nhu cầu bên ngoài suy giảm. Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, thâm hụt thương mại dịch vụ của nước này đạt 7,9 tỷ USD trong tháng 6, mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 12-2021.
Trong khi đó, khủng hoảng bất động sản trở thành “nỗi ám ảnh” đối với kinh tế Trung Quốc. S&P Global Ratings tuần trước ước tính, 40% nhà phát triển bất động sản ở nước này đang gặp rắc rối tài chính, với làn sóng tẩy chay thế chấp lan rộng khắp cả nước, dấy lên lo ngại về sự ổn định tài chính và xã hội. Hàng loạt người mua nhà đồng loạt từ chối đóng tiếp tiền nhà cho những dự án bán trước chưa hoàn thiện, nếu như những công trình này không nối lại hoạt động xây dựng.
The Guardian dẫn lời ông Harry Hu, nhà phân tích của S&P Global Ratings cho biết: “Nếu làn sóng tẩy chay lan rộng hơn nữa, nó có thể làm suy yếu sự ổn định tài chính, đặc biệt khiến giá nhà giảm mạnh”. Shimao Group, một trong những tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc không thể trả lãi và gốc cho một trái phiếu trị giá 1 tỷ USD đáo hạn trong tháng 7-2022, vừa đề xuất kế hoạch tái cơ cấu với các chủ nợ nước ngoài để trả 11,8 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 3 đến 8 năm.
Vấn đề đáng quan ngại khác là Trung Quốc đứng trước nguy cơ mất đi yếu tố đóng vai trò quan trọng trong GDP. Lý giải về vấn đề này, Bloomberg dẫn lời ông Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại công ty dịch vụ tài chính Gavekal Dragonomics cho hay: “Trên thực tế, sự kết hợp giữa tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư luôn liên tục chiếm 50% hoặc hơn trong GDP của nước này. Tình trạng bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc vài tháng qua cho thấy chính xác điều gì sẽ xảy ra khi yếu tố quyết định một nửa GDP này không xuất hiện”.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Trung Quốc đang nỗ lực thực thi các giải pháp trong việc thuyết phục doanh nghiệp, hộ gia đình tăng cường vay vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Ngày 22-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ có động thái giảm lãi suất thứ hai chỉ trong 1 tuần để vực dậy đà phục hồi kinh tế vốn mong manh.
Theo đó, lãi suất cơ bản (LPR) của các khoản vay kỳ hạn 1 năm giảm 0,05 điểm phần trăm, còn 3,65%. Lãi suất cơ bản của các khoản vay kỳ hạn 5 năm giảm 0,15 điểm phần trăm, còn 4,3%. Đây là bước tính toán đúng thời điểm của PBOC nhằm thúc đẩy nhu cầu vốn dài hạn. Tuần trước, PBOC giảm lãi suất của cơ chế cho vay trung hạn (MLF) và một cơ chế cho vay ngắn hạn. Trước đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các tỉnh đóng vai trò trụ cột kinh tế đất nước phải góp sức cho quá trình củng cố đà phục hồi kinh tế.
Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh nỗ lực củng cố các thực thể thị trường, ổn định việc làm và giá cả, cũng như bảo đảm sinh kế của người dân. Ở thời điểm hiện tại, sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và các “nút thắt” chưa được tháo gỡ trong chuỗi cung ứng phần nào tác động đến tiến trình phục hồi kinh tế nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3%, mức thấp nhất trong 4 thập kỷ và thấp hơn mục tiêu 5,5% mà chính phủ nước này trước đó vạch ra.
Covid-19 làm trầm trọng thêm việc giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc Ngày 23-8, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc cho biết, Covid-19 phần nào làm trầm trọng thêm tình trạng giảm tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh, vốn đang trên đà giảm trong những năm gần đây do chi phí giáo dục và nuôi dưỡng trẻ tăng cao. NHC khẳng định: “Covid-19 tác động rõ ràng đến các kế hoạch kết hôn và sinh con của một số người”. Theo các nhà nhân chủng học, số trẻ sơ sinh tại nước này dự kiến giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay, dự báo dưới 10 triệu trẻ, tức là giảm 11,5% so với tỷ lệ sinh năm 2020. |
THƯ LÊ