Quốc tế

Thủ tướng Thái Lan đối mặt với thách thức lớn

08:43, 23/08/2022 (GMT+7)

Những ngày qua, sức nóng của chính trường Thái Lan “chiếm sóng” truyền thông nước này trước thời điểm Tòa án Hiến pháp quyết định có chấp nhận kiến nghị của phe đối lập yêu cầu đưa ra phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hay không. Đáng chú ý, ông Prayut đang đối mặt với nguy cơ bị đình chỉ công tác.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu trước báo giới tại Tòa nhà Chính phủ vào ngày 16-8. Ảnh: Khaosod English
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu trước báo giới tại Tòa nhà Chính phủ vào ngày 16-8. Ảnh: Khaosod English

Theo Bangkok Post, trong trường hợp hội đồng thẩm phán gồm 9 thành viên của tòa án quyết định thụ lý vụ việc nói trên, họ cũng sẽ phải quyết định về việc Thủ tướng Prayut có phải bị đình chỉ công tác trong khi chờ phán quyết hay không.

Hai luồng ý kiến trái chiều

Gần đây, phe đối lập liên tiếp có động thái gây áp lực buộc Thủ tướng Prayut từ chức, với hàng loạt cáo buộc ông Prayut thiếu khả năng lãnh đạo, lạm dụng quyền lực, đồng thời cho rằng chính phủ thất bại trong việc xử lý các vấn đề quốc gia. Nhóm này đã gửi thỉnh nguyện đơn lên Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và thỉnh nguyện đơn được chuyển đến tòa án vào ngày 22-8. Thông tin từ đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) - đảng đối lập chính - cho biết, tòa án sẽ đưa ra quyết định về kiến nghị này vào ngày 24-8, thời điểm mà phe đối lập cho rằng, ông Prayut phục vụ đủ mức tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) cũng đang thảo luận việc yêu cầu tòa án ra phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ của ông Prayuth. Ông Prayuth lên nắm quyền năm 2014 và tiếp tục lãnh đạo Thái Lan sau cuộc bầu cử năm vào 2019. Mục 158 của Hiến pháp Thái Lan giới hạn nhiệm kỳ Thủ tướng của nước này là 8 năm, Song, chính trường nước này đang chứng kiến hai luồng ý kiến trái chiều về thời điểm nhiệm kỳ của ông Prayut chính thức bắt đầu. Một số ý kiến cho rằng, thời gian làm Thủ tướng của ông Prayut bắt đầu từ năm 2014, với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự - cơ quan nắm quyền ở Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014 và phải kết thúc vào năm 2022. Trong khi đó, số khác lại lâp luận rằng, nhiệm kỳ nên tính từ khi ông Prayuth tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào năm 2019 và do đó sẽ kết thúc vào năm 2027.

Trước đó, Thủ tướng Prayuth khẳng định, ông sẽ tôn trọng và chấp nhận phán quyết của tòa án, đồng thời kêu gọi các bên hạn chế đưa ra phán xét trong khi chờ quyết định cuối cùng của tòa án, qua đó ngăn chặn bất kỳ tình trạng bất ổn chính trị. Bangkok Post dẫn lời người phát ngôn Thanakorn Wangboonkongchana của Chính phủ Thái Lan cho biết: “Điều đúng đắn là để vấn đề này được tòa án thẩm định theo Hiến pháp năm 2017 liên quan đến tư cách của Thủ tướng”. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng lệnh đình chỉ chức vụ Thủ tướng của Đại tướng Prayut từ ngày 24-8 sẽ ngăn chặn những phức tạp pháp lý và thiệt hại phát sinh từ việc ông Prayut làm Thủ tướng quá thời gian nhiệm kỳ.

Sóng gió liên tiếp

Ngày 21-8, lãnh đạo đảng Pheu Thai Cholnan Srikaew kêu gọi Thủ tướng Prayuth từ chức vào ngày 23-8 để xoa dịu căng thẳng chính trị. Ông Cholnan cảnh báo: “Việc Đại tướng Prayut có ý định tiếp tục nắm quyền sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới như đã từng xảy ra trong quá khứ”; đồng thời cho biết nếu tòa án quyết định đình chỉ Thủ tướng, Pheu Thai sẽ lựa chọn người tham gia cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện để thúc đẩy tiến trình chọn Thủ tướng mới.

Những tháng gần đây, Thủ tướng Prayut liên tiếp đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Đáng chú ý, vào tháng 7 vừa qua, ông Prayut vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ 4. Đây là bài kiểm tra lớn cuối cùng của ông Prayut trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong các tháng tới. Trước đó, phe liên minh đối lập kiến nghị đến Chủ tịch Hạ viện đề nghị tiến hành điều trần và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Prayut cùng 10 thành viên trong nội các. Ông Prayut chỉ trích những cáo buộc của phe đối lập là “kịch bản cũ”. Cuộc khảo sát ý kiến người dân được công bố vào đầu tháng 8 cho thấy, có tới 2/3 ý kiến cho rằng ông Prayut nên rời ghế Thủ tướng vào tháng này.

Ngày 21-8, những người tự xưng là Nhóm Nhân dân (Khana Ratsadon) và 38 tổ chức khác tiến hành biểu tình yêu cầu Thủ tướng Prayut từ chức. Tương tự, một nhóm biểu tình khác, do nhà hoạt động chính trị Jatuporn Prompan dẫn đầu, tập trung biểu tình trước Tòa thị chính ở quận Phra Nakhon (Bangkok) từ ngày 21 đến 23-8. Trong một động thái trấn an công chúng, Thủ tướng Prayut tuyên bố chính phủ đã vạch ra định hướng tương lai của nước này trong Chiến lược quốc gia 20 năm nhằm cải cách đất nước về mọi mặt, trong đó có cả việc tái cơ cấu kinh tế bằng cách đổi mới và sáng tạo.

THƯ LÊ

.