Phương Tây cho rằng an ninh lương thực toàn cầu phụ thuộc vào thỏa thuận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen. Nhưng thực tế diễn ra lại làm dấy lên nghi ngờ từ phía Nga.
Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng tại Stavropol, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 11-8, Nga yêu cầu các nước phương Tây góp phần thực hiện đầy đủ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ký kết ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó có hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.
Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao Nga, ông Ivan Nechaev cho biết gói thỏa thuận không chỉ cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ 3 cảng của Ukraine mà còn quy định việc thúc đẩy xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nechaev nêu rõ: "Chúng tôi kỳ vọng tất cả các điều khoản trong thỏa thuận sẽ được thực hiện đầy đủ và các nước phương Tây sẽ tạo điều kiện cần thiết để phân bón và lương thực của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu”.
Trước đó, ngày 22-7, Nga và Ukraine đã ký riêng rẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) thỏa thuận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen nhằm giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Hoạt động chở ngũ cốc Ukraine từ các cảng ở Biển Đen bắt đầu vào ngày 1-8. Tuy nhiên, ông Nechaev nhấn mạnh chưa có một tàu nào chở ngũ cốc Ukraine cập bến các nước nghèo đói ở châu Phi hoặc Nam Á mà chủ yếu đến các cảng của các nước phương Tây. Ngoài ra, các tàu chủ yếu chở ngô và dầu hướng dương chứ không phải lúa mì, qua đó đặt ra nghi ngờ về tính trung thực trong các tuyên bố của phương Tây cho rằng an ninh lương thực toàn cầu phụ thuộc vào thỏa thuận trên.
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới rơi vào cảnh đói ăn.
Theo TTXVN