Quốc tế
Hàn Quốc xúc tiến mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao
Hàn Quốc vừa cấp thêm đất cho quá trình mở rộng, tiến tới bình thường hóa hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đóng tại nước Đông Bắc Á này. Động thái cho thấy Seoul muốn củng cố liên minh với Washington và tạo thế cân bằng trong thương mại song phương. Song, bước đi này vô hình trung sẽ tạo rào cản đối với nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
THAAD được lắp đặt tại căn cứ quân sự ở Seongju (Hàn Quốc). (Ảnh chụp ngày 18-8). Ảnh: Korea JoongAng Daily |
Tờ SCMP dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 19-9 cho biết, các quan chức Seoul và Washington thuộc ủy ban chung về Thỏa thuận Tình trạng của Các lực lượng (SOFA) đã ký văn bản về điều khoản về THAAD trên đất liền và hoàn tất mọi thủ tục liên quan. Trong đó, Seoul quyết định cấp thêm 400.000m2 cho việc lắp đặt THAAD, qua đó nâng tổng diện tích đất dành cho hệ thống này lên 730.000m2, gấp đôi so với 330.000m2 được cấp cách đây 5 năm. Kế hoạch mở rộng mới nhất rõ ràng là bước tiến tới bình thường hóa hệ thống gây tranh cãi này. Theo giới phân tích, hệ thống cảm biến của THAAD cung cấp cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa đạn đạo và báo hiệu cho các hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và đảo Guam, Hawaii và đất liền Mỹ.
Theo Global Times, quyết định mở rộng THAAD được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang thúc đẩy liên minh với Mỹ trong nỗ lực theo đuổi nền tảng ngoại giao “đồng minh giá trị”. Ông Yoon dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề phiên thảo luận chung cấp cao khóa 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại New York. Nhiều khả năng lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về quan hệ thương mại song phương, sự sụt giảm giá trị đồng won và các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Giới quan sát cho rằng, ông Yoon muốn sử dụng THAAD như đòn bẩy để bảo đảm “vị thế bình đẳng hơn trong thương mại và hợp tác với Mỹ” trong thời gian tới.
Lâu nay Hàn Quốc vẫn thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo, đặc biệt giữ quan điểm cân bằng về duy trì quan hệ đồng minh truyền thống là Mỹ trong khi nỗ lực cải thiện quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng của Seoul. Tuy nhiên, quyết định bình thường hóa THAAD dường như ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc vốn đang ở thời điểm thuận lợi nhất từ trước đến nay cho nỗ lực cải thiện.
SCMP nhận định, Seoul duy trì THAAD như biện pháp răn đe khi đối mặt với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Song, Trung Quốc lại cho rằng hệ thống radar THAAD lắp đặt tại Hàn Quốc có thể được sử dụng để theo dõi các hoạt động quân sự của nước này và gây mối đe dọa an ninh đối với Bắc Kinh. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, hệ thống này phục vụ mục đích khẳng định tầm ảnh hưởng và sự hiện diện của Washington ở Đông Bắc Á theo chủ trương “nước Mỹ trên hết”, chứ không phải nhằm bảo vệ các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, ông Koh King Kee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Asean thuộc Viện Cộng đồng Tương lai Chung cho biết: “Việc mở rộng phạm vi hoạt động của THAAD chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ không xem nhẹ vấn đề này”. Năm 2020, gần 30% các linh kiện, vật liệu nhập khẩu của Hàn Quốc có xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là chất bán dẫn, pin dung lượng lớn, kim loại đất hiếm và vật tư y tế. Cỗ máy kinh tế Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Bắc Kinh hạn chế hoặc giảm xuất khẩu các vật liệu quan trọng như vậy.
Ngày 16-9, Tổng thống Yoon Suk-yeol nói với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư rằng, Seoul không muốn THAAD trở thành trở ngại đối với quan hệ song phương, đồng thời cam kết duy trì mối liên lạc chặt chẽ về vấn đề này. Trước đó, tháng 8-2022, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố, THAAD là phương tiện để phòng thủ. Tiếp đó, ngày 4-9, quân đội nước Đông Bắc Á này thực hiện đợt chuyển giao thiết bị cho lực lượng Mỹ tại căn cứ Seongju, nơi triển khai THAAD.
Bên cạnh lo ngại của Bắc Kinh về mặt an ninh, căn cứ Seongju trước đây không thể hoạt động một cách đầy đủ do cư dân địa phương và các nhà hoạt động xã hội tập hợp phản đối do lo ngại nguy cơ mà THAAD có thể gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường. Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập cơ quan chính phủ-dân sự có nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường đối với hệ thống này. Quy trình đánh giá này thường mất khoảng một năm. Song, Seoul dự kiến đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan, qua đó tiến tới bình thường hóa hoạt động của THAAD.
Từ năm 2017, Hàn Quốc có sự hiện diện của THAAD do Mỹ sản xuất theo thỏa thuận được hai bên ký kết vào năm 2016. THAAD được bố trí ở Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, cách thủ đô Seoul 300km về phía đông nam, nhằm ngăn chặn tên lửa đạn đạo. Hiện, hệ thống này vẫn ở trạng thái lắp đặt “tạm thời” trong lúc chờ đánh giá tác động môi trường. |
THƯ LÊ