Quốc tế
Mặt trăng - Đấu trường của các cường quốc
Khởi động thám hiểm không gian nói chung, mặt trăng nói riêng diễn ra từ thế kỷ trước, chủ yếu là giữa Nga và Mỹ để quảng bá hình ảnh, gia tăng sức mạnh về kiểm soát không gian. Song, cuộc đua chinh phục không gian chưa bao giờ gay cấn và quyết liệt như hiện nay khi có thêm sự tham gia của nhiều nước khác.
Năm 1969, Mỹ phóng tàu vũ trụ Apollo 11, đưa phi hành gia Neil Amstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Sau 6 lần lên mặt trăng từ năm 1969 đến 1972, con người chưa từng trở lại hành tinh này từ hơn 50 năm qua. Song, cùng với tiến bộ khoa học - công nghệ và sức hấp dẫn của vũ trụ bao la, ngoài Nga và Mỹ, các nước khác, gồm Trung Quốc, Ấn Độ... gần đây tái khởi động chương trình thám hiểm mặt trăng.
Chương trình Artemis của Mỹ với chi phí 100 tỷ USD được khởi động từ năm 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump với mục đích đưa con người đến vùng chưa được khai phá trên mặt trăng. Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) hướng tới thiết lập sự hiện diện thường trực của con người - robot tại đây, từ đó tạo bước đệm đưa con người tới sao hỏa.
Cơ quan vũ trụ Roscosmos (Nga) cũng tích cực trở lại cuộc đua này. Nga phóng tàu đổ bộ Luna-25 lên mặt trăng vào năm 2021 và dự kiến phóng tàu Luna-26 vào năm 2023, nhằm định vị và lập bản đồ với độ phân giải rất cao, qua đó xác định cụ thể các địa điểm có thể hạ cánh cũng như dùng để xây dựng căn cứ, trạm tiền tiêu hoặc trạm đưa mẫu vật về trái đất.
Đặc biệt, Moscow lên kế hoạch táo bạo đưa tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân lên mặt trăng, sau đó tiếp tục phóng tới sao kim và sao mộc. “Tàu kéo không gian” - thuật ngữ chỉ tàu vũ trụ vận chuyển phi hành gia hoặc thiết bị từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác - dự kiến thực hiện sứ mệnh liên hành tinh vào năm 2030.
Trung Quốc, cùng với việc xây dựng trạm không gian Thiên Cung, phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 vào năm 2020 và dự định thăm dò tài nguyên mặt trăng, nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ trong các sứ mệnh Hằng Nga 6, 7 và 8. Nước này còn phóng thành công tàu thăm dò quỹ đạo sao hỏa và chuẩn bị hạ cánh robot thám hiểm trên bề mặt hành tinh Đỏ; đồng thời dự định xây dựng trạm quỹ đạo có phi hành đoàn, đưa con người lên mặt trăng và lấy đất từ một tiểu hành tinh khác.
Trong khi đó, tháng 8-2022, Hàn Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Mặt Trăng - KPLO lên không gian, qua đó trở thành nước thứ 7 trên thế giới và thứ 4 ở châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ) có hoạt động thám hiểm trên mặt trăng. Mặt trăng đã và đang trở thành mặt trận cạnh tranh mới giữa các cường quốc, không chỉ để nghiên cứu khoa học, mà còn tìm kiếm nguồn tài nguyên quý hiếm. Mục tiêu lớn hơn là biến mặt trăng thành cứ điểm để giám sát trái đất, mở đường thám hiểm sao hỏa và các hành tinh khác đầy hấp dẫn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là luật nào quy định, quản lý các hoạt động trên mặt trăng? Hiệp ước Không gian năm 1997 của Liên Hợp Quốc (LHQ) nghiêm cấm việc chiếm đoạt không gian qua việc tuyên bố chủ quyền, chiếm đóng hoặc bằng bất cứ hình thức nào khác. Đến nay, vẫn chưa rõ liệu việc khai thác các tài nguyên khác trên mặt trăng hay sao hỏa có bị cấm theo quy định này hay không.
Tại LHQ, một nhóm làm việc được thành lập với nhiệm vụ tìm ra đồng thuận đa phương về các vấn đề pháp lý, liên quan đến tài nguyên không gian. Năm 2020, Mỹ đưa ra hiệp định Artemis, tuyên bố việc khai thác tài nguyên không gian có thể xảy ra và hợp pháp. 21 nước đã ký hiệp định này nhưng hơn 180 thành viên LHQ còn lại khó có thể chấp nhận. Phó Giám đốc Viện nghiên cứu không gian Inspace (Úc) Cassandra Steer khẳng định: “Với đà này, trong 5 đến 10 năm nữa, chúng ta có thể phải chứng kiến các cuộc xung đột chính trị liên quan đến cuộc đua mới này”.
TUYẾT MINH