Quốc tế

Ứng phó với nạn đói tăng vọt ở quy mô toàn cầu

08:54, 27/09/2022 (GMT+7)

Một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay được lãnh đạo nhiều nước đề cập tại khóa họp 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ-LHQ) là nạn đói đang tăng vọt ở quy mô toàn cầu.

Các tổ chức phi chính phủ cho biết, 345 triệu người ở các châu lục đang trải qua nạn đói nghiêm trọng; trong đó 50 triệu người ở 45 nước đứng trước nguy cơ chết đói và khoảng 19.700 người chết đói mỗi ngày, tương đương cứ 4 giây có một người chết đói. Diễn biến này đi ngược lại với những gì mà các nhà lãnh đạo thế giới trước đây từng cam kết rằng sẽ không bao giờ để nạn đói xảy ra trong thế kỷ 21?!

Theo các nhà quan sát, có hai nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói đang đe dọa hiện nay. Sự biến đổi khó lường của khí hậu. Thời tiết cực đoan ở các châu lục xảy ra ở mức độ rất nghiêm trọng. Năm nay, không chỉ châu Phi đối mặt với khô hạn mà châu Âu cũng hứng chịu các đợt nắng hạn kỷ lục dẫn đến cháy rừng, tác động đến canh tác cũng như sinh hoạt của người dân. Đáng chú ý, Pakistan, quốc gia vừa gánh chịu những hậu quả nặng nề của hạn hán và lũ lụt lịch sử, là trường hợp điển hình của một nước đang phát triển phải chịu tác động tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu do hành vi phát thải carbon của các nước phát triển.

Một nghịch lý đang diễn ra là các nước giàu từng hứa đóng góp hàng chục tỷ USD để giúp các nước nghèo hơn, chủ yếu là ở châu Phi và châu Á, hạn chế phát thải carbon và tạo dựng khả năng chống chịu trước “cú sốc” khí hậu nhưng các nước giàu vẫn chậm trễ trong nỗ lực thực hiện cam kết. Thậm chí, họ còn miễn cưỡng tham gia đàm phán về bồi thường cho những mất mát và thiệt hại mà các nước nghèo phải gánh chịu do biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, tại một số diễn đàn quốc tế, các cuộc thảo luận về việc này còn bị ngăn chặn. Việc giải ngân các nguồn vốn tài trợ cho các dự án nông nghiệp cũng bị kéo dài, thậm chí bị ngưng trệ hoàn toàn tại nhiều nước.

Đáng nói, từ đầu thế kỷ 21, thế giới liên tiếp chứng kiến hàng loạt xung đột vũ trang ở hầu hết các châu lục khiến sản xuất và cung ứng hàng nông sản bị gián đoạn. Nhiều biến động địa chính trị, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine, kéo theo nhiều hệ lụy, gồm khủng hoảng năng lượng và lương thực chưa từng có. Điều đáng quan tâm là Nga và Ukraine cung cấp lượng lớn lương thực, thực phẩm, phân bón và các công cụ khác phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thế giới. Hai nước này chiếm 29% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới, 20% lượng ngô và lúa mạch, 80% dầu hướng dương và 35% hạt hướng dương. Chuỗi cung ứng gián đoạn làm trầm trọng thêm khủng hoảng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu với giá năng lượng, thực phẩm, phân bón tăng cao trong khi các chính sách thương mại lại hạn chế.

Trước những diễn biến nói trên, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không nhanh chóng hành động thì sẽ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có và có thể khiến hàng triệu người chết đói. Theo AFP, cuộc họp cấp cao giữa Mỹ, EU, Liên minh châu Phi, Colombia, Nicaragua và Indonesia… bên lề khóa 77 ĐHĐ-LHQ ra tuyên bố chung kêu gọi "hành động khẩn cấp, có phối hợp và đủ tầm mức để đáp ứng được các nhu cầu khẩn cấp về thực phẩm của hàng trăm triệu người". Các nước cũng cam kết gia tăng đóng góp tài chính cho các tổ chức nhân đạo và không thiết lập các biện pháp siết chặt đối với các thị trường thực phẩm và phân bón. Ngày 21-9, lãnh đạo các tổ chức gồm FAO, IMF, WTO… ra tuyên bố chung thứ hai kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực; đồng thời hoan nghênh nỗ lực của nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu và sáng kiến ngũ cốc Biển Đen trong nỗ lực xuất khẩu 3 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm của Ukraine. Đặc biệt, IMF đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với khủng hoảng an ninh lương thực.

TUYẾT MINH

.