Quốc tế
Đức tìm nguồn cung năng lượng từ vùng Vịnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz công du vùng Vịnh nhằm tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác năng lượng mới trong bối cảnh nước này vật lộn với khủng hoảng năng lượng trầm trọng đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đến bờ vực suy thoái.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (bên phải) tại Al-Salam Palace ngày 24-9. Ảnh: Saudi Press Agency |
Chuyến thăm những cường quốc xuất khẩu dầu lửa và khí đốt hàng đầu thế giới ở vùng Vịnh cho thấy mục đích rõ ràng của nhà lãnh đạo Đức trong nỗ lực tìm cái bắt tay giá trị lớn về năng lượng bền vững sau khi Nga siết chặt nguồn cung tới “lục địa già” do liên quan đến xung đột với Ukraine.
Năng lượng là trọng tâm trong chương trình nghị sự
Theo Reuters, Thủ tướng Scholz gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 24-9. Tiếp đó, ông Scholz đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và gặp Tổng thống Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan ngày 25-9. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Đức tới Qatar, hội đàm với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani. Tại các cuộc gặp với lãnh đạo ba nước vùng Vịnh, ông Scholz bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác mới trong lĩnh vực năng lượng.
Bên cạnh thỏa thuận về nhiên liệu hóa thạch, Đức cũng muốn mở rộng hợp tác về các công nghệ mới như hydro xanh được sản xuất bằng năng lượng tái tạo mà nước này có thể nhập khẩu với số lượng lớn từ các nước vùng Vịnh. Đáng chú ý, ngày 25-9, Thủ tướng Scholz cho biết, các cuộc đàm phán về khả năng UAE cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu diesel cho Đức đạt những tiến triển nổi bật, qua đó hé lộ một loạt dự án hợp tác song phương sẽ được triển khai trong thời gian tới. Phát biểu trước báo giới, ông Scholz cho biết: “Chúng ta cần bảo đảm rằng việc sản xuất LNG cần được nâng cao đến mức có thể đáp ứng được nhu cầu toàn cầu đang tăng mà không cần phải dựa vào năng lực sản xuất hiện có ở Nga”.
AP dẫn lời các quan chức Đức cho biết, tất cả thỏa thuận năng lượng giữa nước này và các “ông lớn” vùng Vịnh sẽ được thực thi dựa trên tính toán kỹ lưỡng của Berlin về kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2045; trong đó yêu cầu chuyển từ khí đốt tự nhiên sang hydro sạch trong những thập kỷ tới.
Tìm kiếm đồng minh mới, củng cố quan hệ hiện có
Bên cạnh mục đích tìm nguồn cung năng lượng, chuyến thăm vùng Vịnh lần này của Thủ tướng Scholz là tín tiệu cho thấy Đức muốn xích lại gần với Saudi Arabia trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm.
Khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là về khí đốt - xương sống của ngành công nghiệp Đức, đang ngày càng trầm trọng. Gần đây, các nhà nhập khẩu khí đốt khổng lồ của nước này phải liên tục cầu cứu chính phủ hỗ trợ vì thua lỗ nặng từ đầu năm. Trước khi xung đột ở Ukraine leo thang, khoảng 55% nhu cầu khí đốt của Đức do Nga cung cấp. Việc Moscow siết chặt nguồn cung sang “lục địa già” khiến cỗ máy kinh tế Đức lao đao. Các nhà kinh tế cảnh báo, Đức có thể phải áp dụng chế độ phân phối khí đốt vào mùa đông tới. Nếu điều đó xảy ra, nước này có thể mất tới 65% công suất của ngành công nghiệp do thiếu năng lượng.
Theo các nhà phân tích, chuyến công du của ông Scholz là bước đi được đoán định trước trong bối cảnh Berlin gặp khó khi giải bài toán khí đốt. Thực tế, Nga khóa van vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1- đường ống dẫn khí chủ chốt đến Đức. Trong khi đó, Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá hàng chục tỷ USD dự kiến ở trong tình trạng “đắp chiếu” do còn nhiều rào cản để đưa vào vận hành. Một số nước thuộc Liên minh châu Âu lo ngại dự án này gây tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị và đi ngược lại chính sách của châu Âu về bảo đảm an ninh năng lượng.
Ngoài ra, ý tưởng đưa khí đốt của Canada tới châu Âu thay thế nguồn cung từ Nga cũng đang nguội dần khi Ottawa không đưa ra cam kết chắc chắn. Một quan chức Đức giấu tên cho biết: “Giống như nhiều nhà lãnh đạo khác, Thủ tướng Đức đang nỗ lực tìm kiếm các cuộc đàm phán trong giai đoạn hiện nay và cố gắng tạo dựng các mối quan hệ đồng minh mới và củng cố các mối quan hệ cũ”.
Theo The Economist, khủng hoảng năng lượng và địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, đang đặt các nước vùng Vịnh ở trung tâm của thị trường trị giá 3,5 nghìn tỷ USD. Ngoài Đức, các nước châu Âu khác và Mỹ cũng để mắt tới nguồn cung từ vùng Vịnh để thiết lập quan hệ đồng minh mới với khu vực này.
THƯ LÊ