Quốc tế

Thế giới tuần qua: ĐHĐ LHQ họp lần thứ 77; Nga phát lệnh động viên quân đội

16:00, 25/09/2022 (GMT+7)

Tuần qua, dư luận quốc tế đặc biệt chú ý đến kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khi thế giới đang đối mặt đầy rẫy biến động, cùng với đó là động thái huy động quân đội một phần tại Nga.

ĐHĐ LHQ thảo luận về nhiều vấn đề nóng

Kỳ họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đang diễn ra tại thành phố New York, Mỹ, với Tuần lễ Cấp cao được tổ chức từ 20/9. Đây là sự kiện trực tiếp đầu tiên kể từ khi Covid-19 được tuyên bố là đại dịch vào tháng 3/2020, có sự tham dự của hàng trăm nguyên thủ và lãnh đạo từ các nước trên khắp thế giới.

Toàn cảnh phiên khai mạc khóa họp 77 ĐHĐ LHQ tại New York, Mỹ, ngày 20/9/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Toàn cảnh phiên khai mạc khóa họp 77 ĐHĐ LHQ tại New York, Mỹ, ngày 20-9-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ đề của kỳ họp ĐHĐ LHQ năm nay là “Thời khắc bước ngoặt: Các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối”, với trọng tâm của các bài phát biểu và thảo luận nhắm vào an ninh lương thực, dịch Covid-19, tình hình Ukraine, biến đổi khí hậu và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres  cho biết kỳ họp năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động địa chính trị sâu rộng, cùng các cuộc khủng hoảng phức tạp. Trong khi đó, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Csaba Kőrösi  phát biểu rằng những thách thức của thế giới hiện nay là rất lớn, song không phải là không thể vượt qua.

Trước tình hình nguồn cung cấp trở nên khan hiếm, đảm bảo an ninh lương thực là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong phát biểu của các lãnh đạo thế giới tham dự ĐHĐ LHQ khóa 77. Tổng Thư ký Guterres khẳng định tình hình tiếp tục không ổn định, thế giới thực sự có nguy cơ thiếu lương thực vào năm 2023.

Trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ ngày 21-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nước hạn chế cấm xuất khẩu lương thực hoặc tích trữ ngũ cốc như một phần trong nỗ lực nhằm giảm giá thực phẩm. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố về gói hỗ trợ an ninh lương thực mới trị giá gần 3 tỷ USD của Mỹ.

Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng không có hòa bình khi còn đói kém và không thể chống đói kém khi hòa bình không tồn tại. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng an ninh lương thực vẫn là vấn đề đặc biệt khẩn cấp. Theo nhà lãnh đạo Đức, xung đột giữa Nga và Ukraine là một phần nguyên nhân và thúc đẩy một cuộc khủng hoảng đa chiều toàn cầu. Kết thúc phiên họp, nhiều nước đã cam kết viện trợ bổ sung hàng trăm triệu USD cho vùng Sừng châu Phi để hỗ trợ khu vực này chống lại nạn đói.

Trong bản báo cáo chung hồi tháng 7, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) cho biết năm 2021 có từ 702 đến 828 triệu người bị ảnh hưởng của nạn đói, tương đương 9,8% dân số thế giới. Con số này tăng 46 triệu người so với năm 2020 và 150 triệu người so với năm 2019, cho thấy tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với "kho" lương thực thế giới.

Người dân tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia, ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia, ngày 14-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cắt giảm khí thải cũng là một trong những vấn đề trọng tâm nhất trong kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 7. Ngày 22-9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã đồng chủ trì tổ chức Phiên họp hẹp cấp cao về biến đổi khí hậu, thảo luận về những biện pháp cần triển khai tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) nhằm đạt được các mục tiêu của Thoả thuận Paris và các cam kết tại COP26. Bốn vấn đề nhức nhối đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận trên bao gồm: giảm thiểu khí thải, tài chính khí hậu, thích ứng và thiệt hại.

Theo Chủ tịch ĐHĐ LHQ, biến đổi khí hậu đã gây ra hiện tượng nắng nóng cực đoan, lũ lụt, hạn hán, trong khi thói quen sản xuất và tiêu thụ không bền vững tiếp tục phá hoại môi trường Trái đất. “Dường như chúng ta đang sống trong tình trạng khẩn cấp nhận đạo thường trực”, ông Csaba Kőrösi nhận định, đồng thời đề cập đến thực trang trên 300 triệu người trên thế giới đang cần bảo vệ và cứu trợ khẩn cấp. Và biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 cùng các cuộc xung đột đã thúc đẩy nạn đói toàn cầu đến mức đáng báo động. Trong khi đó, lạm phát đã tăng cao kỷ lục khi tình trạng bạo lực khiến 1/4 nhân loại rơi vào vào tình thế bất ổn định.

Về phần mình, Tổng Thư ký Guterres cho rằng tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp diễn và khả năng đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp rất mong manh. Ông Guterres khẳng định nhóm G20 gồm những nước giàu nhất thế giới phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu hiện nay. Theo đó, tất cả các quốc gia cần cắt giảm khí thải hàng năm, loại bỏ dần than đá và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, để sớm đạt được mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu là hơn 1,5 độ C so với nhiệt độ toàn cầu thời tiền công nghiệp.

 Tuần hành kêu gọi bảo vệ khí hậu tại Berlin, Đức ngày 23/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuần hành kêu gọi bảo vệ khí hậu tại Berlin, Đức ngày 23-9-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Về tài chính, người đứng đầu LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết đối với các nước đang phát triển. Theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển được hứa tài trợ 100 tỷ USD/năm để đối phó với những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

Liên quan đến tình hình ở Ukraine, ngày 20-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp phù hợp cho cuộc xung đột đã kéo dài 7 tháng qua giữa Nga và Ukraine. Phát biểu tại Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ thế giới cần cùng nhau tìm ra một giải pháp ngoại giao thiết thực, phù hợp cho cả hai bên trong cuộc khủng hoảng này.

Tổng thống Erdogan đang tận dụng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với cả Moskva và Kiev để nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này. Từ khi xung đột nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức thành công nhiều cuộc gặp giữa các nhà đàm phán hai nước. Cũng trong ngày 20-9, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã kêu gọi các bên liên quan xung đột tại Ukraine ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Phát biểu tại ĐHĐ LHQ, nhà lãnh đạo Brazil nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột. Ông nêu rõ chỉ có thể đạt được giải pháp cho vấn đề này thông qua đối thoại và đàm phán.Tổng thống Bolsonaro cũng khẳng định lập trường của Brazil dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Vì vậy, nước này đề nghị các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ dân thường, các cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ người dân cũng như duy trì các kênh liên lạc.

Nga phát lệnh động viên một phần

Theo hãng thông tấn TASS, chiến tuyến trải dài 1.000km, quân đội Ukraine liên tục pháo kích vào các khu vực biên giới Nga và tấn công vào Donbass là lý do khiến Bộ Quốc phòng Nga cần huy động thêm lực lượng.

Phát biểu trên sóng truyền hình ngày 21-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về lệnh động viên quân đội một phần, đồng thời chỉ ra những mối đe dọa đối với Nga do phương Tây gây ra, cùng với bản chất không thể tránh khỏi của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ảnh minh họa - TASS
Ảnh minh họa - TASS

"Để bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh cho dân tộc Nga và người dân tại các vùng lãnh thổ được giải phóng, tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu về việc lệnh huy động một phần ở Nga”. Lệnh động viên quân sự này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21-9.

Như nhà lãnh đạo Nga đã giải thích, Nga sẽ chỉ huy động lực lượng quân nhân dự bị trong đợt huy động một phần này. "Chỉ những công dân đang trong diện dự bị và chủ yếu là những người đã từng phục vụ trong quân đội và có chuyên môn quân sự nhất định mới được gọi đi nghĩa vụ quân sự", ông Putin nói thêm.

Những đối tượng trên sẽ được gửi đến các đơn vị quân đội sẽ được đào tạo bổ sung. Họ sẽ trải qua các khóa huấn luyện quân sự có tính đến kinh nghiệm hoạt động quân sự đặc biệt trước khi được điều động đến các đơn vị quân đội.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết sắc lệnh của tổng thống về việc huy động một phần cũng ngụ ý các biện pháp bổ sung nhằm hoàn thành kế hoạch mua sắm quốc phòng. Ông Putin nói: “Người đứng đầu các doanh nghiệp quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết các nhiệm vụ xây dựng sản lượng vũ khí và khí tài quân sự và khởi động năng lực sản xuất bổ sung”.

Ông cũng ra chỉ thị cho người đứng đầu các khu vực của Nga về việc hỗ trợ công việc của các quân ủy, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ phải ngay lập tức cung cấp cho các doanh nghiệp quốc phòng các nguồn cung cấp và tài chính cần thiết.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trong đợt động viên một phần này sẽ có 300.000 người được gọi nhập ngũ, , tương đương 1% tiềm năng tổng động viên của Nga. Những người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng sẽ được miễn huy động, cũng như những người không đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe, có bốn con trở lên hoặc phải chăm sóc người thân tàn tật. Mỗi địa phương sẽ huy động số lượng quân dự bị nhất định tùy thuộc vào dân số khu vực. Ông Shoigu cho hay lực lượng bổ sung sẽ làm nhiệm vụ kiểm soát chiến tuyến trải dài 1.000 km với các lực lượng của Ukraine.

Kênh RT (Nga) dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng sắc lệnh huy động lực lượng một phần ở Nga đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình ở Ukraine. Theo ông Cavusoglu, xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài thì càng khó đạt được giải pháp rõ ràng và có thể chấp nhận được giữa các bên liên quan. Do đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cần có một cách tiếp cận chủ động hơn đối với ngoại giao và hòa giải.

Sau động thái của Nga, giới chức ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại lời kêu gọi tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine thông qua con đường ngoại giao và hòa bình. Phát biểu trước các phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ lập trường của Chính phủ Trung Quốc rằng các bên tham gia vào cuộc khủng hoảng an ninh (ở Ukraine) nên thể hiện kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp đôi bên cùng có thể chấp nhận là nhất quán và rõ ràng.

Theo Báo Tin tức

.