Quốc tế
Các "đế chế" năng lượng vùng Vịnh xích lại gần Nga
Năng lượng đang dần trở thành chất xúc tác quan trọng đưa các “gã khổng lồ” ở vùng Vịnh xích lại gần Nga đồng thời cũng là đòn giáng vào mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống trong khu vực. Sự dịch chuyển đáng chú ý này càng trở nên rõ ràng hơn sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dưới sự dẫn dắt của Nga và Saudi Arabia quyết định giảm sản lượng dầu ở mức cao nhất từ năm 2020.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan trong cuộc gặp ở St.Petersburg (Nga) ngày 11-10. Ảnh: Atalayar |
Chuyến công du đáng chú ý
Ngày 11-10, Tổng thống Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan có chuyến thăm đáng chú ý đến Nga, không lâu sau khi OPEC+ quyết định giảm mạnh sản lượng dầu. Theo hãng thông tấn WAM (UAE), tại cuộc hội đàm ở St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp UAE thảo luận quan hệ hữu nghị song phương cũng như một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Đáng chú ý, Tổng thống Mohammed bin Zayed Al Nahyan khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Thông cáo của UAE cho biết, ông Putin cũng đã thông báo chi tiết cho người đứng đầu UAE về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhzhia và các biện pháp Nga đang thực hiện để bảo đảm an ninh trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng tìm tiếng nói chung về các khía cạnh hợp tác song phương đa dạng. Thời gian qua, quan hệ Nga - UAE đạt nhiều bước tiến khi kim ngạch thương mại song phương tăng gấp đôi từ 2,5 tỷ USD lên 5 tỷ USD trong 3 năm qua. Hiện, 4.000 doanh nghiệp Nga đang hoạt động tại UAE và số lượng khách du lịch từ Nga đến UAE đạt 500.000 lượt.
CNBC dẫn nhận định của ông Asif Shuja, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông (Mỹ) cho rằng, chuyến công du của Tổng thống UAE có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây vốn đang leo thang. Ông Shuja nhận định: “Với sức mạnh ngoại giao, UAE có vị trí tốt để giúp Nga nắm lấy cơ hội vàng trong việc xử ký dứt điểm xung đột ở Ukraine”.
Tuần trước, OPEC+ nhất trí giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11-2022 nhằm thúc đẩy giá dầu bất chấp lời kêu gọi tăng cường khai thác từ Mỹ. Trong khi Điện Kremlin hoan nghênh quyết định của OPEC+ thì Mỹ lại chỉ trích tổ chức này về quyết định “gây sốc và thiển cận” đúng thời điểm kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực kéo dài từ xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi đó, ông Iman Nasseri, Giám đốc điều hành Công ty Facts Global Energy (Anh) nhận định, UAE và Saudi Arabia, hai thành viên chủ chốt của OPEC, đã có động thái thể hiện sự ủng hộ dành cho Nga những tháng qua như duy trì các thỏa thuận của OPEC+; tăng sản lượng “nhỏ giọt” trước yêu cầu của Mỹ và châu Âu hồi tháng 8; tái xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga tại thành phố Fujairah (UAE), qua đó giảm nhẹ tác động của lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp lên Moscow.
Sóng gió mới trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia
Động thái cắt giảm sản lượng nói trên của OPEC+ tạo bước chuyển đáng lo ngại trong quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia hơn 70 năm qua, đồng thời là tín hiệu không vui cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ với thực trạng giá xăng dầu nhảy vọt là một trong những mối quan tâm chính của công chúng.
Các nhà quan sát cho rằng, Saudi Arabia nhận thấy sự mất cân đối trong mối quan hệ với Mỹ. Thực ra, lâu nay mối quan hệ này dựa trên hợp tác “win-win” (cùng thắng) khi Washington cung cấp an ninh cho Riyadh để đổi lấy nguồn cung dầu mỏ bền vững. Song, những chính sách gần đây của Mỹ, đặc biệt là việc Washongton để ngỏ khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran - đối thủ chính của Riyadh trong khu vực - và sự thiếu sự hỗ trợ an ninh của Washington trước cuộc tấn công từ lực lượng ủy nhiệm ở Yemen do Iran hậu thuẫn khiến quan hệ Mỹ - Saudi Arabia có dấu hiệu rạn nứt. Bên cạnh đó, trong nỗ lực cân bằng quan hệ với các cường quốc, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác đang phớt lờ lời kêu gọi của Washington khi tìm cách duy trì giá dầu ở mức cao nhằm gia tăng nguồn thu ngân sách.
Ngày 11-10, giới chức Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu quá trình đánh giá lại quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia- “cánh tay nối dài của Washington” ở Trung Đông sau quyết định nói trên của OPEC+. CNN dẫn lời Thư ký báo chí của Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre cho biết, Washington sẽ xem xét tình hình kỹ lưỡng trong vài tuần hoặc vài tháng tới song không nêu rõ thời gian biểu cụ thể.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng Mỹ cần ngay lập tức “đóng băng” toàn bộ hợp tác với Saudi Arabia, bao gồm cả thương vụ bán vũ khí. Theo RT (Nga), các nghị sĩ Mỹ cáo buộc Saudi Arabia đứng về phía Nga nhằm tăng doanh thu năng lượng. Trong khi thế giới lao đao vì giá dầu thì các doanh nghiệp dầu mỏ ở Nga và vùng Vịnh lại ghi nhận doanh thu từ xuất khẩu năng lượng cao chưa từng thấy.
THƯ LÊ