Quốc tế
Đông Bắc Á đang "dậy sóng"?
Những ngày qua, phương tiện truyền thông quốc tế, nhất là ở Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, dày đặc thông tin về các cuộc phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của các bên liên quan.
Cuộc tập trận hải quân Mỹ-Hàn Quốc diễn ra từ ngày 26-9 nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Đây là tập trận hải quân chung đầu tiên giữa hai quốc gia đồng minh trong 5 năm qua tại khu vực gần bán đảo Triều Tiên. Cũng trong cuộc tập trận kéo dài 4 ngày này, ngày 5-10, quân đội mỗi bên phóng 2 tên lửa hệ thống chiến thuật lục quân (ATACMS) đất đối đất ra vùng biển phía đông để thể hiện năng lực của liên minh trong việc răn đe hành động gây hấn.
Ngay sau đó, ngày 6-10, phía Triều Tiên đáp trả khi bắn tiếp 2 tên lửa đạn đạo không xác định về phía bờ biển phía đông. Vụ phóng tên lửa lần thứ 6 này của Triều Tiên chỉ trong 12 ngày trùng với thời gian cuộc tập trận nói trên. Theo Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada, nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn gần đây nhất của Triều Tiên được thiết kế để bay theo quỹ đạo thấp, có khả năng cơ động, khó bị phát hiện và đánh chặn. Bộ trưởng Hamada chỉ trích Triều Tiên về các hành động khiêu khích, đặc biệt là từ đầu năm nay. Đáng chú ý, vụ phóng tên lửa lần này của Bình Nhưỡng chỉ diễn ra vài giờ sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận việc nước này phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Không dừng lại ở đó, cũng trong ngày 6-10, 12 máy bay chiến đấu của Triều Tiên bay theo đội hình và tiến hành diễn tập ném bom ở gần biên giới Hàn Quốc. Để đáp trả, quân đội Hàn Quốc cũng triển khai kế hoạch điều 30 máy bay quân sự đến khu vực này.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio quan ngại về các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên trong khoảng thời gian ngắn, cho rằng đây là điều “không thể chấp nhận được”. Trước đó, dư luận đặc biệt quan tâm vụ Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) bay qua lãnh thổ Nhật Bản ngày 4-10. Theo tính toán, tên lửa này có thể chạm tới đảo Guam (Mỹ) khi có tầm bắn khoảng 4.500km, độ cao 970km và vận tốc Mach 17. Theo Hàn Quốc, tên lửa Hwasong-12 này có tầm bắn xa nhất trong số các tên lửa do Triều Tiên đã bắn từ trước đến nay. Theo các chuyên gia, dường như mục tiêu của vụ bắn tên lửa này là nhằm thể hiện khả năng Triều Tiên có thể đánh trúng các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam; đồng thời chứng tỏ khả năng răn đe và chặn quân tiếp viện của Mỹ tới Hàn Quốc nếu xung đột xảy ra.
Ngoài ra, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ cảnh báo khả năng Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân. Nikkei Asia dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho rằng, vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ là bước leo thang “nghiêm trọng”, đe dọa đến an ninh và ổn định khu vực cũng như quốc tế.
Trong khi đó, ngày 6-10, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, các vụ phóng tên lửa gần đây của nước này là “biện pháp phản ứng” với các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc. Tuyên bố của Bình Nhưỡng cũng chỉ trích quyết định của Mỹ hôm 4-10 về việc tái triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan chạy bằng năng lượng hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên trong chuyến thăm thứ hai tại khu vực này trong chưa đầy 1 tháng.
Những diễn biến trên cho thấy, tình hình ở bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông bắc Á nói chung đang “dậy sóng” và phức tạp do các bên liên quan tiến hành các hoạt động tập trận và bắn thử tên lửa nhằm “răn đe” lẫn nhau. Thực tế này khiến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.
TUYẾT MINH