EU tìm cách tịch thu tài sản của Nga

.

Liên minh châu Âu (EU) đang thiết lập các cơ sở pháp lý để tịch thu tài sản của Nga nhằm phục vụ cho quá trình tái thiết Ukraine. Với tính toán này, EU đang hướng tới “mục tiêu kép”: vừa siết chặt trừng phạt Nga vừa có khoản tiền dồi dào để hiện thực hóa cam kết hỗ trợ Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bìa trái) và các quan chức tại hội nghị về tái thiết Ukraine tại Đức ngày 25-10. Ảnh: AFP
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bìa trái) và các quan chức tại hội nghị về tái thiết Ukraine tại Đức ngày 25-10. Ảnh: AFP

Động thái cho thấy EU vẫn chưa từ bỏ lập trường cứng rắn đối với một Moscow bền bỉ trong lúc có đồn đoán gần đây về khả năng liên minh này “cạn” phương cách sau khi nhận ra đòn trừng phạt không mang lại kết quả như mong muốn.

Vấn đề pháp lý hóc búa

Sputnik (Nga) dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại hội nghị về tái thiết Ukraine diễn ra ở Berlin (Đức) ngày 25-10 cho biết:“Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là đóng băng mà là tịch thu tài sản của Nga cho dù việc thiết lập cơ sở pháp lý thực sự không hề đơn giản”. EU đã thành lập lực lượng đặc nhiệm, gồm nhiều chuyên gia quốc tế khác nhau, để xác định những tài sản đã bị đóng băng và xem xét các điều kiện pháp lý nhằm thu giữ và sử dụng chúng để tái thiết Ukraine. Song, quan chức này nhấn mạnh việc tịch thu phải theo quy trình “hợp pháp” bởi liên minh này luôn tuân thủ pháp quyền. Uớc tính, khoảng 23 tỷ euro tài sản của Nga đang bị đóng băng ở EU. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki - đồng minh trung thành của Ukraine - kêu gọi tịch thu tài sản bởi lệnh đóng băng hiện nay ít hiệu quả, đặc biệt là khi tài sản có cách tăng giá trị theo thời gian.

Hẳn nhiên, cảnh báo của EU khiến Nga phản đối mạnh mẽ và tiếp tục các đòn đáp trả bởi tuần trước người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích việc tịch thu tài sản Nga ở nước ngoài có thể là hành vi vi phạm luật quốc tế. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cáo buộc động thái của EU thực chất là “hành vi trộm cắp”. Đáng chú ý, các quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, cũng cảnh báo, việc sử dụng những khoản tiền đó để hỗ trợ Ukraine có thể là bất hợp pháp.

Theo ước tính, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng gần 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng xác nhận, tài sản của Nga đã bị phong tỏa nhưng không bị tịch thu hay trưng dụng. Về mặt pháp lý, số tài sản bị đóng băng trên vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Để sử dụng những tài sản này, EU cần tìm cách tịch thu chúng. Trong một động thái đáp trả, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này đã đưa thêm nhiều quan chức EU vào danh sách cấm nhập cảnh để đáp trả các lệnh trừng phạt mới của EU.

“Kế hoạch Marshall mới cho Ukraine”

Kế hoạch tịch thu tài sản Nga được đưa ra trong bối cảnh EU ấp ủ những định hướng chính cho nỗ lực phục hồi, tái thiết và hiện đại hóa Ukraine với tên gọi “kế hoạch Marshall mới cho Ukraine”. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng của nước này, tương đương với 45% sản lượng hàng năm đã bị phá hủy kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, khiến Kiev có thể chịu ​​thâm hụt ngân sách đến 38 tỷ euro năm 2023.

Ngân hàng thế giới (WB) ước tính, Ukraine sẽ cần khoảng 350 tỷ euro cho tiến trình phục hồi và tái thiết, tương đương với 1,5 lần tổng GDP hằng năm của nước này. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2023, Ukraine cần nguồn tài chính từ 3-4 tỷ euro/tháng, thậm chí 5 tỷ euro nếu xung đột leo thang. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Usurla Von der Layen cho rằng, đây là con số khổng lồ cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế bởi không một quốc gia hay liên minh nào có thể đảm nhận giống như kế hoạch Marshall của Mỹ dành cho châu Âu trước đây.

EU đã viện trợ tổng cộng khoảng 9 tỷ euro cho Ukraine từ khi xung đột xảy ra; đồng thời cam kết gói 18 tỷ euro năm 2023, tức 1,5 tỷ euro/tháng. EU và IMF cũng ủng hộ việc sớm thiết lập nền tảng hợp tác tài chính chung theo đề xuất của Ukraine để tập hợp và quản lý các nguồn tài trợ phục vụ kế hoạch tái thiết Ukraine.

Trong khi đang loay hoay tìm kiếm 38 tỷ euro để bù đắp cho mức thâm hụt ngân sách hiện nay, Ukraine giờ đây thừa nhận nguy cơ phải đối mặt với “mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử”. Tạp chí Handelsblatt (Đức) dẫn lời Người đứng đầu Tập đoàn Năng lượng Nhà nước Ukraine Naftogaz, ông Yuri Vitrenko ngày 24-10 cho biết, khoảng 40% nhà máy điện tại Ukraine đã bị phá hủy trong các cuộc không kích gần đây, gây ra tình trạng mất điện liên tục và các vấn đề về hệ thống sưởi ấm. Tình hình rối ren này buộc Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk phải khuyến cáo những người Ukraine đang tị nạn ở nước ngoài nên chờ tới mùa xuân để về nước.

Nga thông báo tập trận hạt nhân

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết, Mỹ đã nhận được thông báo về cuộc tập trận hạt nhân thường niên Grom (Sấm sét) của Nga, theo đúng các cam kết minh bạch hiện có giữa hai nước. Theo đó, Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận nhằm kiểm tra các hệ thống có khả năng hạt nhân. Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ tiến hành cuộc tập trận tương tự mang tên Steadfast Noon tại vị trí cách Nga khoảng 600km.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.