Quốc tế
"Sức mạnh của tốc độ" và tham vọng của Ấn Độ
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa công bố siêu dự án trị giá 1.200 tỷ USD có tên GP Gati Shakti (“sức mạnh của tốc độ” trong tiếng Hindi). Đây là nền tảng số kết hợp các bộ ngành, hoạt động như một cổng thông tin cung cấp giải pháp “một cửa” thuận tiện hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp tại quốc gia tỷ dân.
Nhân viên đang kiểm tra các tấm thu điện mặt trời tại nhà máy Vikram Solar ở Oragadam (bang Tamil Nadu) thuộc miền nam Ấn Độ. Ảnh: AFP |
Đúng với tên gọi, GP Gati Shakti mang sứ mệnh hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư có nền tảng số để giải quyết nhanh chóng các vấn đề như thiết kế dự án, phê chuẩn nhanh và ước tính chi phí dễ dàng hơn. Đến nay, tại Ấn Độ, khoảng một nửa các dự án hạ tầng bị đình trệ, kéo dài hơn so với dự kiến, và 1/4 số dự án bị đội kinh phí. Thủ tướng Narendra Modi tin tưởng, công nghệ là giải pháp hữu hiệu cho những “nút thắt” còn dai dẳng như chứng bệnh kinh niên.
Giấc mơ “công xưởng thế giới”
Ông Amrit Lal Meen, Thư ký chuyên trách mảng logistics của Bộ Thương mại và công nghiệp Ấn Độ cho biết:“Sứ mệnh của GP Gati Shakti là triển khai các dự án sao cho không bị kéo dài thời gian và đội thêm chi phí. Mục tiêu là các doanh nghiệp toàn cầu sẽ chọn Ấn Độ làm trung tâm sản xuất của họ”.
Các dự án được thúc đẩy nhanh chóng sẽ mang lại cho Ấn Độ lợi thế, nhất là khi Trung Quốc vẫn đóng cửa phần lớn với bên ngoài để kiểm soát Covid-19 ở một số địa phương. Cùng với đó, nhiều tập đoàn cũng tăng cường áp dụng chính sách “Trung Quốc + 1”, có nghĩa tìm kiếm thêm các nước hoặc nguồn cung khác ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa kinh doanh cũng như chuỗi cung ứng.
Lợi thế của Ấn Độ không chỉ ở nguồn nhân lực giá rẻ mà còn sở hữu lượng nhân lực lớn có khả năng dùng tiếng Anh tốt. Dù vậy, hạ tầng chưa đồng bộ vẫn là nhân tố khiến nhiều nhà đầu tư còn chần chừ với nước Nam Á này. Ông Anshuman Sinha thuộc tổ chức Kearney India, người phụ trách các hoạt động giao thông và hạ tầng cho rằng: “Cách duy nhất để cạnh tranh với Trung Quốc, bên cạnh thực tế có những yêu cầu về mặt chính trị của các nước cần vượt qua, còn là chuyện phải cạnh tranh được về mặt chi phí. Gati Shakti sẽ giúp dòng chảy hàng hóa và các linh kiện sản xuất dễ dàng hơn trên khắp đất nước”.
Ông Sinha cũng cho rằng, những vấn đề mấu chốt nhất của dự án này là xác định các cụm sản xuất mới hiện chưa có và kết nối những khu vực đó thật trơn tru với mạng lưới đường sắt quốc gia, các cảng biển và cảng hàng không. “Nếu bóc tách các lớp của dự án Gati Shakti, bạn sẽ thấy nó được tạo nên từ việc xác định các điểm kết nối và củng cố mạng lưới logistic để gắn kết các điểm kết nối đó”, ông Sinha ví von.
Tìm giải pháp bằng công nghệ
Việc giảm thiểu tình trạng quan liêu bằng công nghệ sẽ là vấn đề then chốt để Ấn Độ có thể khai thông các dự án hạ tầng bị đình đốn. Trong số 1.300 dự án mà cổng thông tin Gati Shakti đang giám sát, gần 40% bị kéo dài do các vấn đề liên quan thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, từ đó bị đội vốn. Có ít nhất 422 dự án vướng mắc một số vấn đề như vậy. Gati Shakti tham gia giải quyết các trục trặc của 200 dự án trong số đó. Chính phủ sẽ ưu tiên 196 dự án kết nối các cảng biển phục vụ vận chuyển than đá, thép và thực phẩm.
Invest India, cơ quan chính phủ phụ trách xúc tiến đầu tư của Ấn Độ cho biết, với Gati Shakti, chính phủ có thể dùng công nghệ để bảo đảm việc một con đường vừa mới xây xong không bị đào lên lần nữa để đi cáp điện thoại hay thi công đường ống khí đốt. Invest India cũng hình dung Gati Shakti sẽ thúc đẩy các dự án hạ tầng theo mô hình châu Âu đã làm sau Thế chiến 2 hoặc như Trung Quốc đã làm trong giai đoạn 1980-2010 để nâng cao “chỉ số cạnh tranh quốc gia”.
Thủ tướng Modi từng nhấn mạnh: “Hạ tầng chất lượng là mấu chốt để khởi động nhiều hoạt động kinh tế và tạo ra số lượng lớn việc làm. Nếu không có hạ tầng hiện đại, sự phát triển toàn diện sẽ không thể diễn ra”. Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ấn Độ đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm và hiện chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Ông Arvind Virmani, cựu cố vấn kinh tế chính và Chủ tịch Quỹ Phúc lợi và Tăng trưởng Kinh tế (EGROW) tin rằng, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong giai đoạn 2028 - 2030.
Những thành quả bước đầu Kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, Thủ tướng Modi tăng chi cho hạ tầng để tạo thêm việc làm, thúc đẩy kinh tế và ông đã có được những “trái ngọt” đầu tiên. Apple lên kế hoạch sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ trong hai tháng nữa. Hãng Samsung Electronics (Hàn Quốc) cũng mở nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của họ tại Ấn Độ từ năm 2018. Hãng xe điện nội địa Ola Electric Mobility Pvt của Ấn Độ sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe máy điện lớn nhất thế giới ở trong nước. |
LÂM PHONG