Quốc tế

Chính phủ Anh đảo ngược kế hoạch kinh tế chủ chốt

08:57, 04/10/2022 (GMT+7)

Ngày 3-10, chính phủ của Thủ tướng Anh Liz Truss buộc phải chấp nhận “cú quay đầu” khi bất ngờ đảo ngược kế hoạch giảm thuế thu nhập mạnh nhất trong 50 năm qua sau khi chủ trương này vấp phải làn sóng chỉ trích của đảng cầm quyền trong bối cảnh của thị trường ghi nhận xáo động ban đầu.

Trước sức ép, chính phủ Anh phải đảo ngược kế hoạch giảm thuế 45% lên những người có thu nhập cao. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị ở London. Ảnh: Reuters
Trước sức ép, chính phủ Anh phải đảo ngược kế hoạch giảm thuế 45% lên những người có thu nhập cao. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị ở London. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Truss từng hứa hẹn về những cam kết táo bạo để khôi phục nền kinh tế vốn đang rối ren nhưng những lo ngại về tác động “dội ngược lại” từ chính sách cắt giảm thuế cùng sự suy giảm niềm tin trong giới đầu tư khiến bà Truss phải chỉnh sửa lại kế hoạch.

Chính sách Trussonomics gây tranh cãi

Theo tờ The Guardian, chính phủ Anh tuyên bố từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập cao nhất 45%, một yếu tố chính trong chương trình nghị sự cắt giảm thuế của chính phủ. Quyết định này được đưa ra ngày 3-10 tại hội nghị ở Birmingham, nơi chứng kiến sự tranh cãi gay gắt từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ về cả việc cắt giảm thuế cho những người giàu nhất và ý tưởng tăng chi phí vay nợ để bù đắp cho việc giảm thuế.

Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng cho biết: “Rõ ràng việc bỏ mức thuế 45% đã gây xao lãng khỏi sứ mệnh quan trọng của chúng tôi là xử lý những thách thức mà nước ta đang đối mặt. Vì thế, tôi thông báo chúng ta sẽ không bỏ mức thuế 45% nữa. Chúng tôi đã lắng nghe”.

Trước đó, ngày 2-10, bà Truss tuyên bố giữ lập trường kiên định về chính sách điều hành; đồng thời cam kết đặt nền móng cho kế hoạch thúc đẩy kinh tế. BBC dẫn lời bà Truss khẳng định: “Với tư cách là Thủ tướng, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra những quyết định khó khăn và làm điều đúng đắn vì sự phát triển đất nước”.

Với mong muốn tạo dấu ấn ngay khi nhậm chức, Thủ tướng Truss khiến công chúng bất ngờ với Trussonomics (thuật ngữ được sử dụng cho đề xuất về kinh tế của bà Truss) với tham vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không tạo áp lực lạm phát. Chương trình phát triển kinh tế gây tranh cãi này tập trung vào cắt giảm thuế, trợ cấp năng lượng và các cải cách trị giá gần 225 tỷ USD để chấm dứt “chu kỳ đình trệ”. Theo đó, chính phủ cần vay thêm khoảng 79 tỷ USD trong 6 tháng tới để thực thi kế hoạch, qua đó càng làm tăng thêm lo ngại về nợ công tăng vọt và giá trị đồng bảng Anh tiếp tục suy giảm.

Đáng chú ý, chương trình ngân sách mới đề xuất cắt giảm thuế lớn nhất trong 50 năm, gồm bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập trên 162.000 USD. Các chuyên gia cho rằng, quyết định này chỉ mang lại lợi ích cho người giàu, trong khi có rất ít nỗ lực cải thiện cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất. Trước đó, một số nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ cũng lo ngại, sự liều lĩnh của bà Truss sẽ khiến đảng này không được lòng cử tri trước cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra vào năm 2024.

Xáo trộn trên thị trường

Theo tờ The Guardian, thị trường trong nước đang đối mặt với xáo trộn ban đầu. Ngày 28-9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo hồi sinh chương trình mua trái phiếu dài hạn trong hai tuần. Động thái khẩn cấp này giúp BoE tìm cách đảo ngược những rối loạn trên thị trường tài chính trong bối cảnh giá trái phiếu chính phủ lao dốc cùng lợi suất tăng vọt đang đe dọa quỹ hưu trí, làm tổn thương thị trường nhà ở và gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế.

Hiện, tình trạng khủng hoảng năng lượng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Vừa qua, hàng nghìn người dân Anh tuần hành ở nhiều thành phố để phản đối việc chi phí sinh hoạt tăng cao do tăng giá năng lượng. Nhiều người thậm chí tuyên bố sẽ không thanh toán nhằm gây áp lực buộc chính phủ giảm hóa đơn năng lượng xuống “mức có thể chấp nhận được”. Các cuộc biểu tình nổ ra khi mức trần giá năng lượng mới có hiệu lực từ 1-10, cho phép tăng mức trần hóa đơn mỗi hộ gia đình trung bình mỗi năm lên mức kỷ lục 2.500 bảng Anh. Trong diễn biến đáng lo ngại khác, ngày 3-10, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem cho hay, một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt ở Anh có thể phải đóng cửa do có nguy cơ thiếu khí đốt đáng kể trong mùa đông.

Để trấn an công chúng, bà Truss cho biết chính phủ đang xây dựng kế hoạch rõ ràng ở phía trước để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát, khôi phục kinh tế và để nước Anh ở vị thế tốt hơn trong dài hạn khi nước này đang dùng tất cả đòn bẩy sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng. Văn phòng Thủ tướng Anh cũng cho biết sẽ thực thi nhiều cải cách khác để cải thiện tiềm năng tăng trưởng kinh tế, trong đó có kế hoạch cắt giảm quy định về quy hoạch, thay đổi hệ thống nhập cư và đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cơ sở hạ tầng.

Đồng bảng Anh mất khoảng 17% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm trong khi chi phí vay nợ lên mức kỷ lục và kinh tế nước này được dự đoán tăng trưởng chậm nhất so với các nước phát triển khác. Ngày 26-9, giá trị đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD, đánh dấu giai đoạn mới trong quá trình suy giảm kéo dài của đồng tiền này kể từ đầu thế kỷ 20. Ngân hàng Nomura dự báo, giá trị của đồng bảng Anh sẽ giảm xuống mức biểu tượng - ngang giá với đồng USD vào cuối tháng 11-2022.

THƯ LÊ

.