Quốc tế

Cơ hội Ukraine gia nhập NATO thêm mong manh

08:54, 03/10/2022 (GMT+7)

Ukraine nộp đơn xin nhanh chóng trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay sau khi Nga sáp nhập 4 khu vực từ nước này. Động thái của Kiev nhận được sự tán thành từ một số nước thành viên nhưng lại vấp phải sự lo ngại từ Mỹ, Đức và lãnh đạo khối liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Tổng thống Volodymyr Zelensky (giữa) cầm tờ đơn xin Ukraine gia nhập NATO ngày 30-9. Ảnh: Reuters
Tổng thống Volodymyr Zelensky (giữa) cầm tờ đơn xin Ukraine gia nhập NATO ngày 30-9. Ảnh: Reuters

Yêu cầu gia nhập NATO của Ukraine vốn bị đình trệ trong nhiều năm. Nga nhiều lần cảnh báo, viễn cảnh Ukraine gia nhập liên minh này sẽ là một trong những “lằn ranh đỏ” đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của Moscow. Theo TASS, quan điểm của Moscow là Ukraine cần giữ tình trạng trung lập và từ bỏ ý định gia nhập liên minh này.

Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30-9 cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh khả năng đáp ứng của mình đối với các tiêu chuẩn của NATO. Chúng tôi thực hiện bước đi mang tính quyết định với việc ký đơn xin nhanh chóng gia nhập liên minh này”.

Ngay sau khi Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO, khối này chứng kiến những phản ứng trái chiều từ các thành viên. Theo CNN, Estonia, Latvia và Lithuania nêu rõ lập trường ủng hộ quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO của Ukraine và hy vọng nước này sẽ trở thành thành viên của liên minh sớm nhất có thể. Bộ trưởng Ngoại giao của các nước này khẳng định: “Sự góp mặt của Ukraine sẽ giúp liên minh của chúng ta vững mạnh”.

Trong khi đó, theo Reuters, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ nói rằng việc Ukraine trở thành thành viên của NATO phụ thuộc hoàn toàn vào quyền quyết định của tất cả 30 thành viên hiện nay trong liên minh; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev có thể duy trì quyền tự vệ vốn được quy định trong hiến chương Liên Hợp Quốc.

RT dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, Berlin sẽ làm mọi cách để giúp NATO tránh trở thành một bên tham gia trực tiếp trong xung đột Nga-Ukraine. Đáng chú ý, Mỹ, một trong những bên hỗ trợ nhiều nhất đối với Ukraine, lại có phần hờ hững với quyết tâm của Kiev. Reuters dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 30-9 cho biết: “Cách tốt nhất bây giờ để ủng hộ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế, trên thực địa. Quá trình gia nhập NATO nên được thực hiện vào thời điểm khác”.

Theo Foreign Policy, việc Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO rõ ràng không chỉ phản ứng đối với việc Nga sáp nhập 4 khu vực của nước này mà còn nhằm mục đích trấn an tinh thần của người dân Ukraine; đồng thời tiếp tục gây áp lực buộc các nước NATO phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Kiev về mặt ngoại giao và quân sự trong thời gian tới trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy xung đột hiện nay sẽ kết thúc.

Tờ New York Times dẫn nhận định của các chuyên gia cảnh báo, tư cách thành viên NATO của Ukraine vào thời điểm hiện tại dường như rất khó. Quá trình này có thể mất ít nhất vài tháng, và thậm chí nhiều năm. Để gia nhập NATO, Ukraine phải trải qua quá trình xét duyệt với sự đồng thuận từ toàn bộ thành viên liên minh, tức là chỉ cần một thành viên không tán thành thì thỏa thuận không thể được thông qua. Quy trình này được chia thành bốn bước chính: nộp đơn, ứng cử, đàm phán và gia nhập. Trước đó, tháng 8-2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng cam kết với Tổng thống Putin rằng, Ukraine sẽ bị ngăn gia nhập NATO trong 30 năm tới. Trong thời gian này, nhiều khả năng Kiev sẽ chỉ nhận được những bảo đảm an ninh vững chắc từ các đồng minh.

Ông Jim Townsend, cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho biết: “Việc đón thêm thành viên mới vào NATO thực sự rất khó, chứ đừng nói đến việc một nước đang vướng vào xung đột như Ukraine”. Thậm chí, việc Phần Lan và Thụy Điển đều xin gia nhập NATO sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cũng là vấn đề nhạy cảm, dẫn đến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn bao giờ hết dù cả hai quốc gia Bắc Âu này được coi là có một số thể chế dân chủ mạnh nhất thế giới với quân đội tiên tiến đã tích hợp chặt chẽ với NATO. Theo các chuyên gia, Ukraine sẽ đẩy nhanh cải cách quân sự cần thiết để gia nhập liên minh trong tương lai.

THƯ LÊ

.