Quốc tế

APEC 2022 tìm "chìa khóa" phục hồi kinh tế bền vững

08:26, 15/11/2022 (GMT+7)

Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm chú ý trong tháng 11-2022 khi là nơi diễn ra một loạt hội nghị quan trọng, thu hút sự tham dự của lãnh đạo nhiều nền kinh tế thế giới. Ngay sau hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan, Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022 bắt đầu từ ngày 14-11 ở Thái Lan, trong đó hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 18 và 19-11.

Theo người phát ngôn chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri, chủ đề chính của Tuần lễ cấp cao APEC 2022 là “Mở - Kết nối - Cân bằng”. Về nội dung Mở, để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ đề xuất của Thái Lan về xem xét thảo luận Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương. Trong nội dung Kết nối, đặc biệt trong du lịch và lữ hành, Thái Lan thúc đẩy tái kết nối với APEC hậu Covid -19 bằng cách lập cổng thông tin, ban hành hướng dẫn để hỗ trợ tính nhất quán của chứng chỉ vắc-xin và tăng số lượng người có thẻ du lịch thương gia APEC. Về nội dung Cân bằng, Thái Lan thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, với mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế xanh - tuần hoàn - sinh thái.

Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) cho biết, nghị sự 5 điểm tại sự kiện năm nay sẽ ưu tiên các chủ đề mang tính cấp bách toàn cầu và khu vực gồm: hội nhập kinh tế khu vực; cơ sở hạ tầng số; thực hành bền vững của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME); tính bền vững; tài chính và kinh tế. Theo đó, các đại biểu sẽ thảo luận các hiệp định thương mại tự do và khôi phục việc đi lại trong khu vực; các bước chuẩn bị để chuyển đổi sang nền kinh tế số; khôi phục MSME thời kỳ hậu Covid -19, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, trẻ em và những người kém đặc quyền; mục tiêu phát thải ròng bằng không, thúc đẩy thực phẩm và năng lượng bền vững; ban hành biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả và tạo hệ sinh thái hỗ trợ tài chính số.

Theo Chủ tịch ABAC Kriengkrai Thiennukul, mục tiêu của ABAC là thúc đẩy hệ thống thương mại dựa trên quy tắc toàn cầu và khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, cũng như hệ sinh thái hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sự lãnh đạo và hành động quyết đoán của APEC là cần thiết để tăng tốc độ phục hồi kinh tế hậu Covid -19. Theo đó, ABAC kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC tạo điều kiện mở lại biên giới để đẩy nhanh quá trình phục hồi trong khu vực, đặc biệt đối với các MSME bị ảnh hưởng bởi các hạn chế phòng, ngừa Covid-19. ABAC sẽ tiếp tục tập trung phát triển và thực hiện khuôn khổ khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và du lịch thời kỳ hậu Covid-19. Ông Cherdchai Chaivaivid, Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế của Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết các nhà lãnh đạo APEC sẽ tìm cách thúc đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương vượt qua những thách thức kinh tế toàn cầu đang diễn ra để hướng tới phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm từ Covid-19. 

Có thể nói, Tuần lễ cấp cao APEC 2022 là sự kiện tiếp nối của hàng loạt các hội nghị thượng đỉnh quan trọng, thu hút hầu hết các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới liên tục trao đổi, tìm các biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề cấp bách mang tính thời đại. Ngày 13-11, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nêu rõ, hội nghị năm nay sẽ tạo cơ hội cho nước này thúc đẩy một nghị trình toàn cầu và tạo vị thế lớn hơn trong cộng đồng quốc tế. Ông Prayut cũng khẳng định, tình hình đất nước đang có nhiều cải thiện, kể cả về các hoạt động kinh tế và đầu tư, và Thái Lan không nên bỏ lỡ các cơ hội để thúc đẩy đất nước phát triển. Trên cương vị Chủ tịch APEC 2022, Thái Lan tự tin sẽ chèo lái con thuyền APEC về phía trước bằng sự nhiệt tình, sáng tạo và khéo léo.

TUYẾT MINH

.