Quốc tế
Doanh nghiệp châu Âu xoay trục sang Mỹ
Bản đồ kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng khi Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau hơn so với những năm trước về thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, lợi ích của các nền kinh tế ở “lục địa già” lại bị ảnh hưởng khi nhiều công ty, bao gồm cả các nhà sản xuất thép và hóa chất, đang tăng đà xoay trục sang Mỹ. Làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư này khiến giới chức các nước châu Âu thực sự lo ngại.
Công ty sản xuất và phát triển pin xe điện Northvolt (Thụy Điển) muốn mở rộng sản xuất sang Mỹ. Ảnh: Fortune |
Mỹ trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn
Khi nhiều cỗ máy kinh tế ở châu Âu chao đảo trước tác động của xung đột Nga - Ukraine thì Mỹ vẫn chứng tỏ sức chống chịu dẻo dai trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, bất chấp “chiến dịch diều hâu” về tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Đáng chú ý, đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá hàng trăm tỷ USD của Mỹ không chỉ mang lại lợi ích cho chính các doanh nghiệp của nước này mà còn là lời mời gọi hấp dẫn đối với giới đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều công ty lâu nay hoạt động ở châu Âu. Dự luật này bao gồm việc miễn trừ thuế đối với xe điện sản xuất ở Bắc Mỹ, đồng thời hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ. Đơn cử như Northvolt (Thụy Điển), “gã khổng lồ” của châu Âu về sản xuất pin xe điện, muốn mở rộng sản xuất sang Mỹ nhằm hưởng lợi từ đạo luật. Financial Times dẫn lời ông Peter Carlsson, CEO của Northvolt cho biết: “IRA đang dịch chuyển động lực từ châu Âu sang Mỹ. Ngoài các doanh nghiệp châu Âu, nhiều công ty từ châu Á cũng đang tính toán kế hoạch chuyển hướng đầu tư tới Bắc Mỹ”.
Giá năng lượng tăng vọt cũng là một lý do tác động sự xoay trục này. Do chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao khi giá điện chuẩn ở châu Âu tăng gần 300% năm 2022 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Theo Fortune, giá điện ở lục địa này cao gấp 5 đến 10 lần so với hầu hết các bang của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ có các lợi thế quan trọng khác, gồm dầu khí giá rẻ, công nhân lành nghề. Dù giá khí đốt ở châu Âu gần đây đã giảm nhưng vẫn ở mức cao gấp nhiều lần so với tại Bắc Mỹ, qua đó buộc các doanh nghiệp châu Âu phải tìm đường đến “xứ Cờ Hoa”.
Tương tự, Solvay SA, công ty hóa chất có trụ sở tại Bỉ gần đây công bố khoản đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng các cơ sở sản xuất pin ở miền nam nước Mỹ nhằm tận dụng doanh số bán xe điện đang tăng nhiệt. Ông Ilham Kadri, Giám đốc điều hành Solvay SA cho biết: “Chúng tôi nhắm đến thị trường Mỹ nhiều hơn nữa trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Trung Quốc vẫn tiến hành các đợt phong tỏa để kiểm soát Covid-19. Trong khi châu Âu chứng kiến sự bất ổn nguồn cung năng lượng và lạm phát cao thì Mỹ lại có tất cả lợi thế”.
Ngày 24-11, Pháp và Đức đã kêu gọi áp thuế tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia ở cấp độ toàn EU. Trong bối cảnh người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của lạm phát và khủng hoảng giá năng lượng, hai nước đã quyết tâm bảo đảm tính công bằng trong vấn đề thuế quan để buộc các công ty phải chi trả tương xứng. Chính sách này vô hình trung khiến các doanh nghiệp không còn mặn mà với “lục địa già”.
Các bước can thiệp đầu tiên
Theo Global Times, việc di dời một số cơ sở sản xuất ra khỏi châu Âu không phải là quá trình tự nhiên do sự lựa chọn của thị trường, mà là kết quả sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này gây ra sự không hài lòng từ phía châu Âu. Chính phủ Pháp đang cố gắng tác động đến các công ty muốn chuyển sản xuất ra nước ngoài hoặc đầu tư trong tương lai ra bên ngoài châu Âu. Ngày 21-11. Tổng thống Emmanuel Macron gặp CEO các doanh nghiệp châu Âu, gồm Solvay, Air Liquide, Volvo và BMW, AstraZeneca và Ericsson, để thuyết phục họ ở lại châu Âu và chọn Pháp cho các khoản đầu tư trong tương lai, thay vì không chuyển hoạt động sang Mỹ.
Đáng chú ý, nhằm tăng tính cạnh trạnh tranh với đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, ông Macron kêu gọi EU khởi động “Đạo luật mua hàng châu Âu” của riêng khối nhằm trợ cấp các hoạt động sản xuất ở châu Âu. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải sự phản đối từ các nước chống chủ nghĩa bảo hộ hơn trong khối. Nhà lãnh đạo Pháp cam kết sẽ nêu “những lo ngại nghiêm trọng” về các chính sách bảo hộ doanh nghiệp của chính quyền Tổng thống Joe biden trong chuyến thăm Mỹ đầu tháng 12-2022.
Theo Les Echos, các Bộ trưởng Tài chính của Pháp và Đức đã gặp nhau để thảo luận cách điều phối phản ứng với các chính sách năng lượng của Mỹ và điều chỉnh viện trợ các công ty đang gặp khó khăn với giá điện cao hơn. Song, theo giới quan sát, “lục địa già” dường như bị “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Mỹ. Ông Eric Trappier, lãnh đạo của Dassault Aviation, người đứng đầu liên đoàn các ngành công nghiệp kim loại của Pháp cảnh báo, châu Âu nên bảo vệ ngành công nghiệp của mình mạnh mẽ hơn trước khi chúng xoay trục sang bên kia bờ Đại Tây Dương. Theo Global Times, chỉ có một lựa chọn thực tế cho châu Âu: nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của ngành sản xuất thông qua hợp tác quốc tế rộng rãi.
THƯ LÊ