Quốc tế

EU lập kế hoạch hành động khẩn về người di cư

09:12, 24/11/2022 (GMT+7)

Cuộc họp khẩn ngày 25-11 tới được xem là nỗ lực tiếp theo của châu Âu để giải quyết rốt ráo tình trạng di cư bất hợp pháp đang có chiều hướng gia tăng ở mức đáng báo động thời gian gần đây, nhất là ở trung tâm Địa Trung Hải.

Thành viên của tàu cứu hộ Ocean Viking đưa áo phao cho những người di cư trên chiếc thuyền nhỏ ở Địa Trung Hải tháng 10-2022. Ảnh: Reuters
Thành viên của tàu cứu hộ Ocean Viking đưa áo phao cho những người di cư trên chiếc thuyền nhỏ ở Địa Trung Hải tháng 10-2022. Ảnh: Reuters

Di cư bất hợp pháp vẫn là “căn bệnh trầm kha” của châu Âu, đồng thời cũng là một trong những vấn đề chủ yếu khiến hàng loạt các nước châu Âu rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Từ đầu năm nay, hàng loạt vụ tai nạn trên biển nghiêm trọng của người di cư, gây rúng động dư luận. Tuy nhiên, chính những bất đồng giữa các nước châu Âu về chia sẻ gánh nặng, phân bổ nhập cư khiến tình trạng này vẫn bế tắc. “Lục địa già” đang đứng trước hai lựa chọn rõ rãng: dựng “đê chắn sóng” di cư hoàn toàn hoặc đạt đồng thuận về chia sẻ hạn nghạch người nhập cư giữa các nước và có biện pháp can thiệp, hỗ trợ.

“Sự khởi đầu vững chắc”

Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) vừa trình kế hoạch hành động gồm 20 biện pháp xoay quanh 3 trụ cột để giải quyết vấn đề di cư ở Địa Trung Hải trước thềm cuộc họp khẩn ngày 25-11. Theo bà Ylva Johansson, ủy viên phụ trách nội vụ của EU, trọng tâm trong kế hoạch là tăng cường hợp tác với các nước thứ ba và tổ chức quốc tế, trong đó ngăn chặn tình trạng di cư từ Bắc Phi. Để tối đa hóa tác dụng của ý tưởng này, EU sẽ tận dụng tốt các cấu trúc điều phối và khởi động sáng kiến ​​nhóm châu Âu chuyên trách ở trung Địa Trung Hải trước cuối năm nay. Bên cạnh đó, các nước thành viên EU cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác tìm kiếm và cứu nạn, gồm cả giữa các quốc gia ven biển và các nước có tàu treo cờ (quốc gia có tàu đi qua vùng biển); đồng thời nhấn mạnh hỗ trợ người gặp nạn trên biển là nghĩa vụ pháp lý.

Trước đó, EU đã đạt thỏa thuận về việc tái định cư người tị nạn trên cơ sở tự nguyện và đóng góp tài chính từ các nước EU không ở tuyến đầu. Cơ quan biên phòng châu Âu hiện duy trì lực lượng 2.300 người tham gia các hoạt động kiểm soát đường biên giới bên ngoài của EU. Liên minh này cũng đặt mục tiêu chi 580 triệu euro trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ các nước Bắc Phi, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm trong khu vực nhằm giảm thiểu tình trạng vượt biên đến “miền đất hứa” châu Âu. 

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi đánh giá kế hoạch là “sự khởi đầu vững chắc” khi tập trung vào hợp tác với các quốc gia nơi người di cư rời đi và quá cảnh, cũng như phối hợp tích cực hơn về cứu hộ trên biển. Tại cuộc họp sắp tới, các bộ trưởng nội vụ EU sẽ thảo luận cuộc khủng hoảng người di cư sau khi nảy sinh bất đồng gay gắt giữa Pháp và Italy liên quan đến việc tiếp nhận dòng người di cư. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas kêu gọi tháo gỡ vướng mắc về việc tiếp nhận người di cư từ các tàu do các tổ chức phi chính phủ điều hành.

Bất đồng vẫn dai dẳng

Theo Politico, vấn đề di cư trở thành nguyên nhân gây bùng nổ những tranh cãi gay gắt gần đây giữa các nước thành viên EU. Ý, một trong những điểm đến đầu tiên tại châu Âu trong hành trình của dòng người di cư trái phép từ châu Phi, Trung Đông đang loay hoanh tìm cách giải quyết thực trạng này. Ý tuyên bố, nước này không có nhiệm vụ phụ trách dòng người di cư được tàu tư nhân giải cứu và cũng không cho phép tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ vào lãnh hải mà chỉ hỗ trợ tiếp nhận người di cư vì mục đích nhân đạo, cùng với yêu cầu tàu cứu hộ treo cờ nước nào thì nước đó phải tiếp nhận người di cư.

Đầu tháng 11-2022, tàu Ocean Viking của tổ chức từ thiện SOS Địa Trung Hải chở theo khoảng 230 người di cư được giải cứu đã phải cập cảng Toulon (Pháp) sau khi bị Ý từ chối tiếp nhận. Euronews dẫn lời ông Matteo Piantedosi, Bộ trưởng Nội vụ Italy cho biết: “Những người di cư bị kẹt trên biển lâu như vậy không phải do chúng tôi, mà vì thời tiết biển trở nên xấu đi. Trách nhiệm cũng thuộc về những con tàu treo cờ nước khác khi đưa người tị nạn đến nước chúng tôi”.

Trong khi đó, ông Gerald Darmanin, Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói: “Ý đã không hành xử như một quốc gia châu Âu có trách nhiệm. Việc quản trị các dòng di cư là một vấn đề chung tác động đến tất cả chúng ta, cần giải pháp nhất quán của toàn bộ châu Âu”. Paris cáo buộc chính phủ cánh hữu mới thành lập ở Rome đã phá vỡ mối ràng buộc tin cậy và vi phạm luật quốc tế về bảo vệ người di cư; đồng thời tuyên bố sẽ không tiếp nhận 3.000 người di cư mà nước này đã cam kết tiếp nhận trước đó.

Trong 10 tháng của năm 2022, khoảng 275.500 người di cư bất hợp pháp vào EU, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2016. Riêng trong tháng 10-2022, các nước thành viên EU ghi nhận 36.500 lượt nhập cảnh bất hợp pháp, tăng 47% so với tháng 10-2021. Hơn 90.000 người di cư và người tị nạn đã đến EU trong năm nay thông qua tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải, chẳng hạn như băng qua biển từ Bắc Phi đến Ý hoặc Malta, tăng 50% so với năm 2021. Từ đầu năm đến nay, hơn 1.200 người chết ở Địa Trung Hải, nâng tổng số tử vong lên hơn 25.000 kể từ năm 2014.

THƯ LÊ

.