Quốc tế

Indonesia sẽ cấm xuất khẩu bauxite

09:10, 23/12/2022 (GMT+7)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa thông báo Jakarta sẽ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu thêm một loại quặng thô khoáng sản nữa kể từ giữa năm 2023, lần này là bauxite (quặng nhôm) trong chiến lược kiên định nhằm củng cố ngành công nghiệp chế biến và tinh luyện khoáng sản nội địa. Là một trong những nước giàu tài nguyên nhất thế giới, chính sách mới được dự báo sẽ gây ra những hệ lụy toàn cầu.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là thành viên nhóm G20 sẽ cấm xuất khẩu quặng bauxite từ tháng 6-2023. TRONG ẢNH: Cảng biển tại Pomala, tỉnh Tây Nam Sulawesi (Indonesia). Ảnh: Reuters
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là thành viên nhóm G20 sẽ cấm xuất khẩu quặng bauxite từ tháng 6-2023. TRONG ẢNH: Cảng biển tại Pomala, tỉnh Tây Nam Sulawesi (Indonesia). Ảnh: Reuters

“Chính phủ đang dốc sức tiếp tục xây dựng quyền tự chủ với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nội địa để tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu ngoại hối và bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định”, ông Widodo giải thích thêm về lý do đưa ra chính sách xuất khẩu mới trong ngày 21-12 tại dinh tổng thống ở Jakarta. Lệnh cấm này cũng được coi là sự tiếp nối chủ trương tuyên bố tài nguyên thiên nhiên trong nước phải được sử dụng phục vụ cho sự thịnh vượng của đất nước và người dân.

Tổng thống Widodo hy vọng, với chính sách cấm xuất khẩu bauxite có hiệu lực từ tháng 6-2023, giá trị hàng xuất khẩu làm từ quặng nhôm của Indonesia sẽ tăng từ mức khoảng 21 ngàn tỷ rupiah (1,35 tỷ USD) lên ít nhất 62 ngàn tỷ rupiah (3,97 tỷ USD). Bauxite là nguyên liệu đầu vào chính yếu để sản xuất nhôm - loại vật liệu được sử dụng rộng rãi trong đồ gia dụng nhà bếp, vật liệu xây dựng, máy bay và rất nhiều sản phẩm khác. Theo thống kê của cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, trong năm 2020, Indonesia là nhà xuất khẩu bauxite lớn thứ 5 thế giới và có trữ lượng bauxite lớn thứ 6 toàn cầu.

Đây không phải lần đầu tiên Indonesia cấm xuất khẩu bauxite. Năm 2014, quốc gia này áp lệnh tương tự và gây sụt giảm mạnh lượng bauxite xuất khẩu, tới năm 2017 mới gỡ bỏ. Theo Nikkei, cho tới trước năm 2014, Trung Quốc là nhà nhập khẩu bauxite lớn nhất của Indonesia trong nhiều năm. Riêng năm 2014, khoảng 99% lượng bauxite xuất khẩu của Indonesia chuyển tới Trung Quốc. Dù vậy, kể từ 2017, Trung Quốc cũng tăng mua bauxite nhiều hơn từ các nước khác.

Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto cho biết, trong suốt nhiều năm, hầu hết bauxite khai thác ở Indonesia đều đã bán cho các nước như Trung Quốc và Úc, sau đó Indonesia lại phải nhập về các sản phẩm tinh luyện từ bauxite của những nước đó. Indonesia hiện có 4 lò luyện kim đang dùng nguyên liệu thô là bauxite với công suất tổng cộng 4,3 triệu tấn nhôm. Nước này cũng đang chuẩn bị xây thêm nhiều cơ sở khác với mục tiêu tăng gấp đôi công suất đó trong tương lai. Trữ lượng bauxite của Indonesia ước tính còn đủ dùng cho các lò luyện kim trong khoảng từ 90-100 năm nữa.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái mới của Jakarta với bauxite có lẽ bắt nguồn từ việc chính phủ Indonesia muốn nhân lên thành công từng có với chính sách cấm xuất khẩu nickel trong 3 năm kể từ 2014. Lệnh cấm này đã thúc đẩy làn sóng đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào ngành công nghiệp chế biến quặng nickel của Indonesia.

Đến nay, hàng chục lò luyện kim của doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động trên các đảo Sulawesi và Halmahera. Điều này cũng đã đưa nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trở thành nhà xuất khẩu thép không rỉ lớn trong các năm qua. Cùng với đó, số lượng các cơ sở chế biến quặng nickel thành vật liệu sản xuất pin cho xe điện cũng đang ngày một tăng tại Indonesia.

Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu nickel lần thứ hai, áp dụng từ tháng 1-2020 của Indonesia đã bị Liên minh châu Âu (EU) kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hôm 30-11, WTO ra phán quyết ủng hộ EU, cho rằng lệnh cấm của Indonesia là không hợp lý. EU cáo buộc lệnh cấm của Jakarta gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thép của khối này. Theo Reuters, chính quyền Indonesia cho biết họ sẽ kháng cáo lại quyết định của WTO.

Bất chấp thất bại trong tranh tụng với EU tại WTO về quặng nickel, Tổng thống Indonesia ngày 21-12 nói rõ, nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách hạn chế xuất khẩu và khẳng định sẽ công bố thêm lệnh cấm xuất khẩu với một hoặc hai loại hàng hóa khác trong thời gian tới. Trong năm nay, Indonesia cũng đã cấm xuất khẩu than đá và dầu cọ, gây chấn động lớn với thị trường thế giới. “Với các hàng hóa khác, chúng tôi đang tính toán tổng thể và sự sẵn sàng của các ngành công nghiệp. Ngay khi họ sẵn sàng, chúng tôi sẽ dừng xuất khẩu ngay. Mặc dù chúng ta sẽ bị kiện, nhưng không sao hết. Trách nhiệm của chúng tôi là tìm kiếm những giá trị gia tăng càng nhiều càng tốt”, ông Widodo nói.

Được biết, lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel giúp Indonesia thành công trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu của các hàng hóa liên quan khoáng sản này từ 1,1 tỷ USD năm 2014 lên 20,9 tỷ USD và dự tính sẽ tăng lên hơn 30 tỷ USD năm nay.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.