Quốc tế

Trung Quốc đáp trả Mỹ tại WTO

07:06, 14/12/2022 (GMT+7)

Trung Quốc đã gửi đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để kiện Mỹ về các chính sách mà họ cho là bảo hộ thương mại, làm xói mòn các nguyên tắc tự do thương mại của WTO và gây tổn hại cho các doanh nghiệp của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cuộc chiến về chip giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang lên bước mới với những lệnh trừng phạt Mỹ công bố hồi tháng 10-2022. Ảnh: Asiatimes
Cuộc chiến về chip giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang lên bước mới với những lệnh trừng phạt Mỹ công bố hồi tháng 10-2022. Ảnh: Asiatimes

Động thái mới nhất của Trung Quốc gần như chắc chắn làm nóng hơn nữa cuộc chiến thương mại vốn đã dai dẳng nhiều năm qua giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Trung Quốc khởi kiện

Trong thông báo ngày 12-12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, việc gửi đơn kiện tới WTO là điều cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nước này trước chính sách kiểm soát của Mỹ đối với ngành công nghiệp bán dẫn vốn liên quan trực tiếp tới Bắc Kinh. Financial Times dẫn lời ông Ben Kostrzewa, chuyên gia về quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc tại công ty luật Hogan Lovells cho biết: “Chí ít thì vụ kiện này cũng là cách Trung Quốc phản ứng với những gì mà theo họ nhận định là đã có một bên không công bằng trong thế giới thương mại toàn cầu”.

Việc đệ đơn là bước đầu tiên trong quá trình giải quyết trung gian của WTO giữa hai nước. Thường thì những vụ tranh chấp như vậy sẽ do Cơ quan phúc thẩm của WTO xử lý. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn tạm dừng hoạt động do bất đồng giữa các nước thành viên. Do đó, ông Kostrzewa cho rằng, nhiều khả năng, đơn kiện của Trung Quốc không thể “tạo hiệu quả pháp lý”, trừ khi cơ quan phúc thẩm này hoạt động trở lại.

Tháng 10-2022, Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới nhằm tạo thêm rào cản khiến Trung Quốc không dễ mua hoặc phát triển vật liệu bán dẫn tiên tiến. Các lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhằm ngăn cản khả năng Trung Quốc sử dụng công nghệ tối tân của họ vào các ứng dụng quân sự như thiết kế mẫu đầu đạn hạt nhân và sản xuất vũ khí siêu thanh. Đó cũng là những biện pháp ngăn các công ty Mỹ không bán công nghệ cho những tập đoàn Trung Quốc có tham gia sản xuất chip chất lượng cao cho gần như mọi loại thiết bị hiện đại, trong đó có các loại xe điện mới nhất, điện thoại thông minh và trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc đã sẵn sàng?

Mỹ có thể kích hoạt điều khoản hiếm khi dùng trong hệ thống luật của WTO vốn cho phép các nước được quyền bảo vệ hoạt động thương mại của họ trên cơ sở an ninh quốc gia. “Trước đây, các nước đều rất thận trọng không sử dụng điều khoản này vì hiểu rõ những đứt gãy mà nó có thể gây ra. Tuy nhiên, Washington có thể đi theo hướng đó nếu căn cứ vào các lý do để đưa ra những chính sách mới về chất bán dẫn”, ông Kostrzewa nói. Trong khi đó, phát ngôn viên của Đại diện thương mại Mỹ cho biết: “Các hành động có chủ đích về lĩnh vực bán dẫn liên quan đến an ninh quốc gia và WTO không phải diễn đàn thích hợp để thảo luận về những vấn đề này.”

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao của Washington đối với Bắc Kinh hồi tháng 10-2022 đã gây xáo trộn lớn đối với chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Thực tế này có thể làm thay đổi chiến lược đầu tư tại Trung Quốc của những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình ưu tiên mục tiêu đưa đất nước dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào hạ tầng công nghệ sản xuất chip của nước ngoài và coi đó là mục tiêu trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế. Các “gã khổng lồ” công nghệ tư nhân trong nước như Alibaba và Tencent cùng với các tập đoàn nhà nước như Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc được giao trọng trách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để giúp nước này nâng cao năng lực tự chủ và giảm lệ thuộc vào chip ngoại.

Trong các năm qua, các nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), Yangtze Memory Technology và Hua Hong Semiconductor cũng phát triển rất nhanh nhưng vẫn còn phụ thuộc một số công ty nước ngoài ở một vài thành tố thiết yếu như thiết kế chip nền tảng và các thiết bị sản xuất. 

Theo Reuters, trong nỗ lực hướng tới “tự cung tự cấp” chip và đối phó với các động thái của Mỹ, Bắc Kinh đang xây dựng kế hoạch triển khai gói hỗ trợ tài chính lớn nhất trong 5 năm, trị giá hơn 143 tỷ USD, để phát triển chip nội địa. Khoản kinh phí này sẽ được “bơm” cho ngành công nghiệp chip, chủ yếu dưới dạng trợ cấp, tín dụng thuế để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Mỹ đang đàm phán với Nhật Bản và Hà Lan về thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu để ngăn không cho các công ty nội địa của hai nước đó bán các thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc. Theo Bloomberg, hai nước này nhất trí với Mỹ về nguyên tắc trong vấn đề này và các bên dự kiến công bố thỏa thuận trong vài tuần tới. Nếu liên minh 3 nước này bắt tay nhau, đó sẽ là sự phong tỏa gần như hoàn toàn với khả năng mua các thiết bị cần thiết để sản xuất các loại chip tân tiến nhất hiện nay của Trung Quốc.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.