Quốc tế

Trung Quốc hướng đến phục hồi kinh tế toàn diện năm 2023

09:19, 19/12/2022 (GMT+7)

Trung Quốc vạch ra nhiều đường hướng chủ chốt cho khôi phục và phát triển kinh tế toàn diện năm 2023 trong bối cảnh nước này có bước xoay trục trong chính sách “zero-Covid”, tạo điều kiện mở cửa trở lại.

Trung Quốc sẽ thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế tổng thể năm 2023.  TRONG ẢNH: Kỹ sư thi công xây dựng Khu thí điểm kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo Pazhou ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: IC
Trung Quốc sẽ thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế tổng thể năm 2023. TRONG ẢNH: Kỹ sư thi công xây dựng Khu thí điểm kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo Pazhou ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: IC

Tại hội nghị công tác kinh tế Trung ương thường niên tuần qua, Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng kinh tế năm 2023 sẽ có bước chuyển mạnh mẽ so với năm 2022 vốn chỉ đạt tăng trưởng GDP ước khoảng 3%, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua và thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là khoảng 5,5%.

Cải thiện tổng thể nền kinh tế

Tân Hoa Xã dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại hội nghị khẳng định, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp giải quyết và xoa dịu những rủi ro lớn, thúc đẩy cải thiện tổng thể hoạt động kinh tế, đồng thời đưa ổn định tăng trưởng, việc làm và giá cả lên vị trí nổi bật trong hoạch định chính sách kinh tế năm 2023. “Cải thiện tổng thể là xu hướng của năm 2023, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn đáng kể so với năm 2022 với hàng loạt giải pháp kích thích”, ông Tian Yun, chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh, nói; đồng thời nhận định cuộc họp không chỉ tập trung vào phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn mà còn hướng đến chuyển đổi ổn định theo hướng tăng trưởng chất lượng cao trong các năm tới.

Theo Global Times, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi ổn định nền kinh tế trị giá 17.000 tỷ USD vào năm 2023 thông qua các chính sách tài khóa chủ động, kiểm soát nợ công chính quyền địa phương, nới lỏng chính sách tiền tệ, phát hành trái phiếu hỗ trợ kinh tế; bảo đảm tăng trưởng của nền kinh tế tư nhân; tăng cường đầu tư công nghệ cao; thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng thu nhập người dân thành thị, ổn định thị trường bất động sản, cam kết hỗ trợ nhu cầu nhà ở mạnh mẽ; tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, thông qua các công cụ tài chính, việc Trung Quốc đầu tư 106 tỷ USD vào 2.700 dự án từ tháng 12-2022 sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2023.

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng kinh tế năm 2022 có dấu hiệu chững lại khi đối mặt với 3 áp lực tương đối lớn: nhu cầu giảm, khủng hoảng nguồn cung và kỳ vọng tăng trưởng yếu do tác động từ các chính sách đơn phương của Mỹ, Covid-19 và xung đột ở Ukraine. Global Times nhận định, trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy phân tách kinh tế với Trung Quốc và phong tỏa tiếp cận công nghệ hiện đại một cách liều lĩnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố năng lực đổi mới, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường tiếp cận thị trường, thúc đẩy gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế số và các hiệp định quốc tế cấp cao khác.

Khôi phục niềm tin thị trường

Theo các chuyên gia, khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc được khống chế thì tiêu dùng, cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung cũng được cải thiện đáng kể trong năm tới, đặc biệt với nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng. “Cường độ của các chính sách tiền tệ và tài khóa chắc chắn sẽ tăng lên năm 2023, bao gồm cả các chính sách kích thích. Tôi nghĩ rằng điều này thực sự đang thúc đẩy và ổn định niềm tin vào thị trường”, ông Hu Qimu, Phó Tổng thư ký Diễn đàn hội nhập các nền kinh tế kỹ thuật số Forum 50 (Trung Quốc), nhận định.

Bất chấp áp lực suy giảm đối với nền kinh tế, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Trong 10 tháng năm 2022, vốn FDI vào Trung Quốc đại lục tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 1.090 tỷ nhân dân tệ.

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đang tích cực thu hút các thị trường nước ngoài khi nới lỏng chính sách “zero-Covid”. Ít nhất 9 tỉnh, bao gồm Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô, đang cử hàng trăm công ty xuất khẩu tham dự các triển lãm quốc tế với sự hỗ trợ của chính phủ để thu hút thêm các đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài, giúp khôi phục xuất khẩu vốn là động lực tăng trưởng lớn nhất của nước này trong 2 năm qua. Người phát ngôn của Alibaba.com cho biết: “Với việc nới lỏng các hạn chế về Covid-19, chúng tôi đang cố gắng mang đến cho người mua nước ngoài cơ hội kết nối với hàng nghìn nhà xuất khẩu Trung Quốc. Điều này cũng sẽ giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc mở rộng thị trường nước ngoài một cách hợp lý và hiệu quả hơn”.

Ngay sau khi Trung Quốc phát tín hiệu sẵn sàng mở cửa, cùng với kỳ vọng của Tổ chức Y tế thế giới về tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu sẽ chấm dứt năm 2023, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley (Mỹ) nâng dự báo GDP của Trung Quốc năm 2023 và 2024 lần lượt lên 5,4% và 6.5%. “Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, các chính sách kinh tế vĩ mô và các biện pháp kiểm soát Covid-19 được liên kết để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thay vì đóng vai trò là đối nghịch lẫn nhau”, Morgan Stanley cho hay.

THƯ LÊ

.