Đà Nẵng cuối tuần

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng

17:25, 17/12/2022 (GMT+7)

Một cơn bão mang theo tuyết dày và mưa lạnh vừa đổ bộ vào nước Mỹ. Những ngày tới, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đối mặt với mức nhiệt dưới mức đóng băng. Thế giới đang chứng kiến tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và đây mới chỉ là “sự khởi đầu”.

Người dân trở lại làng sau những trận mưa và lũ lụt ở Sehwan (Pakistan) ngày 20-9-2022. Ảnh: Reuters
Người dân trở lại làng sau những trận mưa và lũ lụt ở Sehwan (Pakistan) ngày 20-9-2022. Ảnh: Reuters

Giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho rằng, khủng hoảng lớn nhất trong năm 2022 là biến đổi khí hậu. Nhiều thảm họa khí hậu đã xảy ra như trận lũ lụt kinh hoàng nhấn chìm 1/3 diện tích Pakistan; bão Ian gây thiệt hại cho nước Mỹ; hạn hán tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu và Trung Quốc; nạn đói do hạn hán gây ra ở châu Phi…

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu trong năm 2022 vẫn có “sự điều chỉnh giảm nhẹ” về thiệt hại. Hãng bảo hiểm khổng lồ Swiss Re cho biết, chi phí do thảm họa toàn cầu gây ra trong năm 2022 giảm 12% so với năm trước, còn 268 tỷ USD (năm 2021, con số này vượt quá 300 tỷ USD).

Sau 18 ngày lại xảy ra một thảm họa thời tiết ở Mỹ

Nhà khí tượng học và nhà kinh tế ứng dụng Adam Smith tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết: “Chúng tôi gần như đã quen với thời tiết cực đoan. Năm nay được coi là khá căng thẳng so với nhiều năm trước đây, nhưng so với những năm khắc nghiệt nhất như năm 2017, 2020 và 2021, thì dường như có sự điều chỉnh giảm nhẹ”.

Theo ông Smith, cháy rừng ở Mỹ năm nay không gây thiệt hại nhiều như vài năm trước, nhưng hạn hán ở miền Tây nước này gây thiệt hại nhiều hơn những năm trước. Song, nói đến thiệt hại tài chính cho toàn cầu và nước Mỹ trong năm 2022 thì không thể không nhắc đến bão Ian. Siêu bão Ian đã làm khoảng 100 người chết, phần lớn nạn nhân ở bang Florida, trở thành cơn bão gây tử vong nhiều thứ ba đổ bộ vào đất liền nước Mỹ trong thế kỷ này, đồng thời gây thiệt hại khoảng 70-120 tỷ USD. Nếu chỉ nhìn mức độ thiệt hại về USD, bão Ian làm lu mờ nạn đói ở châu Phi, cũng như làm lu mờ tình trạng mực nước sông giảm đến mức thấp nhất tại Trung Quốc và châu Âu gây ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp. Cùng thời điểm đó, châu Âu, Ấn Độ, Bắc Mỹ trải qua các đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ do biến đổi khí hậu.

Ông Smith cho biết, NOAA vẫn chưa tính xong mức thiệt hại từ Ian nhưng rất có thể con số này là hơn 100 tỷ USD, vượt qua siêu bão Sandy năm 2012 đã tàn phá New York và New Jersey, chỉ xếp sau Katrina năm 2005 và Harvey năm 2017.

Vào những năm 1980, trung bình cứ 82 ngày lại xảy ra một thảm họa thời tiết gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nước Mỹ. Bây giờ, cứ sau 18 ngày lại xảy ra một thảm họa thời tiết. Ông Smith cho rằng, thời tiết ngày một xấu hơn và thảm họa xảy ra thường xuyên hơn.

Ông Martin Bertogg, người đứng đầu bộ phận rủi ro thảm họa của hãng bảo hiểm Swiss Re cho biết: “Nếu bạn xem xét kỹ giai đoạn 6 năm qua từ 2017-2022 thì thấy thời tiết đặc biệt xấu” so với 5 năm trước đó. Theo ông Bertogg, một số người thậm chí gọi đây là “điều bình thường mới” và về lâu dài, thiệt hại do thảm họa sẽ tăng 5-7%/năm.

Giảm lượng khí thải, ngăn sự nóng lên của toàn cầu

Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry nhận định: Số lượng thiên tai ngày càng gia tăng buộc phải giảm lượng khí thải. “Chúng ta sẽ tốn tiền nhiều hơn cho những tình huống nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không hành động nhanh chóng hơn”, ông Kerry trả lời phỏng vấn hãng tin AP.

Ông Chris Field, Giám đốc môi trường của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang làm tăng tính đa dạng cũng như mức độ trung bình của các thảm họa thời tiết. “Điều quan trọng là xu hướng thiên tai đang gia tăng. Và nó sẽ tiếp tục tăng cho đến khi chúng ta ngăn chặn được sự nóng lên của toàn cầu”, ông Field nói.

Song, Debarati Guha-Sapir, người điều hành Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học thảm họa tại Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) nêu vấn đề: Việc xem xét thiệt hại có thể đưa ra một bức tranh sai lệch vì chi phí thảm họa phụ thuộc rất nhiều vào mức độ giàu có của khu vực xảy ra thảm họa, ít hơn so với quy mô của thảm họa. Giáo sư Kristie Ebi về khí hậu và sức khỏe ở Đại học Washington (Mỹ) cũng chung nhận định: Mức độ thiệt hại có thể chỉ tính đến USD, chứ không phải con người và điều đó làm sai lệch bức tranh thực.

Giới chuyên gia cho rằng, các trận lũ lụt, hạn hán, nắng nóng kéo dài trong năm nay cho thấy những cảnh báo về hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành hiện thực và đây mới chỉ là “sự khởi đầu”. Tại hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP 27) tổ chức ở Ai Cập tháng 11 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo nhân loại phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn là hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hoặc “tự sát tập thể”. Tuy nhiên, COP27 không đưa ra các cam kết mới nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp tính cấp thiết phải giảm khí thải nhà kính và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

Thế giới đang chờ những cột mốc mới của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu năm 2023, trong đó có COP28 dự kiến diễn ra vào tháng 11-2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). COP28 sẽ công bố tiến độ thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt trung bình của Trái đất dưới 2 độ C và lý tưởng nhất là 1,5 độ C.

KHÁNH LINH (theo AP, Bloomberg, NYT)

.