Nhật Bản, Anh đạt thỏa thuận quốc phòng lịch sử

.

Nhật Bản và Anh đạt thỏa thuận quốc phòng song phương quan trọng nhất trong hơn một thế kỷ qua, cho phép hai nước triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau để thực hiện các cuộc tập trận và triển khai quân sự ở quy mô lớn hơn và phức tạp hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (bên trái) và người đồng cấp Anh Rishi Sunak ký thỏa thuận Tiếp cận song phương (RAA) tại London (Anh) ngày 11-1 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (bên trái) và người đồng cấp Anh Rishi Sunak ký thỏa thuận Tiếp cận song phương (RAA) tại London (Anh) ngày 11-1 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters

Việc đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho thấy Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ an ninh với các đối tác trong bối cảnh lo ngại về tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc vốn được Tokyo mô tả là “thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay” đối với an ninh của nước này.

Theo Reuters, ngày 11-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Anh Rishi Sunak ký thỏa thuận Tiếp cận song phương (RAA) trong chặng dừng chân tại London (Anh) thuộc khuôn khổ chuyến công du dài ngày của ông Kishida đến 5 nước thành viên khác thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). “RAA có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai nước, củng cố cam kết của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong thế giới ngày càng cạnh tranh này, điều quan trọng hơn hết là các nền dân chủ cần tiếp tục kề vai sát cánh để vượt qua những thách thức toàn cầu chưa từng có trong thời đại”, Thủ tướng Sunak nhấn mạnh. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida ca ngợi RAA sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho hợp tác quốc phòng song phương. Đây còn là thỏa thuận tiếp cận đầu tiên mà Nhật Bản ký kết với một đối tác châu Âu, đồng thời cũng là chỉ dấu về mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia vốn đều là thành viên của G7.

AFP dẫn lời ông Euan Graham, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế mô tả thỏa thuận là bước tiến khá quan trọng. Trước đây, hai bên có thể triển khai các tàu và máy bay quân sự đến lãnh thổ của nhau nhưng quá trình này thường đối mặt với quy trình rất phức tạp khi cần có sự cho phép của Bộ Ngoại giao nước này cho mỗi lần triển khai. Trong khi đó, thỏa thuận mới sẽ tạo ra khuôn khổ cố định, giúp Anh đưa tàu khu trục, triển khai lực lượng quân đội, hoặc điều sĩ quan thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia tham gia huấn luyện với lực lượng phòng vệ Nhật Bản trở nên dễ dàng hơn.

“Canh bạc” quốc phòng mới nhất với Anh cũng cho thấy Tokyo không ngừng mở rộng mạng lưới các hiệp ước quốc phòng với các nước lớn để ứng phó với hàng loạt thách thức an ninh đáng quan ngại trong khu vực. Hồi tháng 1-2022, Nhật Bản ký hiệp định tương tự với Úc. Nhật Bản đang xích lại gần hơn các đối tác G7 về mặt quân sự trong lúc đẩy mạnh “cuộc đại tu” chiến lược quốc phòng-an ninh với kế hoạch tăng ngân sách lên 320 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Tokyo tuyên bố tăng chi tiêu an ninh lên 2% GDP vào năm 2027, mua sắm các loại vũ khí mới có thể tấn công phủ đầu mục tiêu đe dọa nước này và đồng minh, mở rộng năng lực vận chuyển và phát triển năng lực chiến tranh mạng.

Theo các nhà quan sát, thỏa thuận trên là một phần trong chính sách đối ngoại của Anh về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi nước này xây dựng các mối quan hệ an ninh và thương mại bền vững ở khu vực năng động này. Anh cũng có lập trường ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong cách tiếp cận với Trung Quốc, khi Thủ tướng Sunak từng cảnh báo Bắc Kinh đang đặt ra “thách thức mang tính hệ thống” đối với các giá trị và lợi ích của nước này.

Đánh giá phòng thủ tích hợp của Anh được công bố vào tháng 3-2022 vạch định trục chiến lược mới đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có liên kết với Bản thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) cho thấy London theo đuổi kế hoạch chương trình tàu ngầm đầy tham vọng chủ yếu nhằm nâng cao khả năng răn đe ở khu vực này.

Bên cạnh RAA, Anh và Nhật Bản rót nguồn đầu tư lớn rất nhiều vào chương trình Không quân chiến đấu toàn cầu (GCAP) mang nhiệm vụ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Ý. GCAP hợp nhất nỗ lực hệ thống Không quân chiến đấu tương lai của Anh với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ mới. Chuyến bay đầu tiên của loại máy bay mới này dự kiến diễn ra vào năm 2035.

Ngoài ra, lãnh đạo Nhật Bản và Anh còn trao đổi về thương mại và việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hồi tháng 12-2022, hai bên khai triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi không gian mạng, an toàn trực tuyến và quyền tiếp cận chất bán dẫn. Có thể nói, các thỏa thuận trên đều củng cố cam kết vững chắc của London trong việc đảm bảo an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đáp trả trước các thỏa thuận giữa Nhật Bản và Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, châu Á - Thái Bình Dương không phải đấu trường cho “các trò chơi chính trị” và Trung Quốc là đối tác để hợp tác chứ không phải là thách thức. “Cách nghĩ lỗi thời về các khối đối đầu nhau không nên được áp dụng tại khu vực này”, ông Uông Văn Bân trả lời họp báo tại Bắc Kinh ngày 12-1.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.