Hôm 5-1, Cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể đóng vai trò là nhà hòa giải hiệu quả giữa Moskva và Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP |
“Tôi không nghi ngờ gì về việc ông Netanyahu có thể trở thành trung gian hòa giải hiệu quả vì ông ấy hiểu chính xác chiến tranh hiện đại là gì và bản chất của hòa giải trong những điều kiện đó”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Mikhail Podolyak nói với kênh I24 TV.
Trước đó, người tiền nhiệm của ông Netanyahu, cựu Thủ tướng Naftali Bennett, cũng từng là nhà hòa giải giữa Nga và Ukraine trong vài tuần vào mùa xuân năm 2022. Ông Bennett đã tận dụng mối quan hệ tốt đẹp giữa Israel với cả hai nước để truyền tải thông điệp giữa ông Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin và phối hợp với các cường quốc khác trong khu vực. Ông Bennett thậm chí đã bay tới Moskva, trở thành một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp ông Putin trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Bennett đã không mang lại kết quả và cuối cùng quyết định gác lại nỗ lực khi liên minh của ông tan rã.
Thủ tướng Netanyahu cho biết ông đã được đề xuất làm trung gian hòa giải giữa hai nhà lãnh đạo Zelensky và Putin khi ông còn là lãnh đạo phe đối lập Israel. Tháng trước, ông nói rằng những lời đề nghị như vậy có thể xuất hiện trở lại, nhưng không nói rõ liệu ông có chấp nhận các đề xuất hay không.
Những bình luận của ông Podolyak dường như làm dịu đi lo ngại căng thẳng trong quan hệ giữa Israel và Ukraine. Kiev đã bày tỏ không hài lòng với tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Israel Eli Cohen trong những ngày đầu tiên ông nhậm chức. Hồi đầu tuần này, ông Cohen cho biết chính phủ mới của Israel sẽ “lên tiếng ít hơn” về cuộc xung đột ở Ukraine.
Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk nói rằng Kiev coi cuộc điện đàm của ông Cohen với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 3-1 là bằng chứng về thay đổi trong quan điểm của Israel về cuộc xung đột.
“Bộ trưởng Ngoại giao Israel đã không trao đổi với ông Lavrov kể từ khi xung đột nổ ra”, ông nói với tờ The Times of Israel, ám chỉ rằng Kiev rất tức giận trước động thái này.
Israel hiện là một trong số ít quốc gia duy trì quan hệ tương đối nồng ấm với cả Ukraine và Nga. Kiev đã nhiều lần kêu gọi Israel cung cấp hệ thống phòng không của Israel như Vòm sắt (Iron Dome) để đối phó với các cuộc tấn công liên tục của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng của nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, Israel đã từ chối viện trợ hệ thống này cho Ukraine, có thể do lo ngại về phản ứng của Nga - quốc gia duy trì sự hiện diện đáng kể ở nước láng giềng Syria.
Trong các nhiệm kỳ trước, ông Netanyahu đã thể hiện mối quan hệ thân thiết với ông Putin. Ông nhấn mạnh điều quan trọng là duy trì khả năng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hoạt động tự do từ bầu trời do Nga kiểm soát ở Syria, nhằm ngăn chặn lực lượng cố thủ Iran ở biên giới phía bắc của Israel.
Israel đã lên án hoạt động quân sự của Moskva ở Ukraine và gửi viện trợ nhân đạo cho Kiev, nhưng không áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Nga và ngần ngại cung cấp vũ khí cho Ukraine, bất chấp Kiev nhiều lần yêu cầu.
Hồi tháng 10-2022, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Israel rằng quan hệ giữa hai nước sẽ xuống dốc nếu Tel Aviv hỗ trợ vũ khí cho Kiev.
Theo baotintuc.vn