Quốc tế

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Viện trợ khẩn cấp để tránh thảm họa nhân đạo

08:44, 14/02/2023 (GMT+7)

Đã một tuần trôi qua kể từ khi trận động đất kinh hoàng xảy ra, người dân tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn sống chật vật từng ngày trước hàng loạt thách thức. Thiếu viện trợ thiết yếu, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm, tình trạng mất an ninh nghiêm trọng cũng như do dự đi hay ở lại sau thảm họa vẫn đang bủa vây họ.

Các tình nguyện viên chuẩn bị thức ăn cho những cư dân tại một sân vận động ở Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 10-2, sau trận động đất. Ảnh: AFP
Các tình nguyện viên chuẩn bị thức ăn cho những cư dân tại một sân vận động ở Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 10-2, sau trận động đất. Ảnh: AFP

Theo Reuters, tính đến 20 giờ ngày 13-2, ít nhất 34.000 người đã thiệt mạng sau thảm họa động đất. Công tác cứu hộ vẫn diễn ra khẩn trương và những phép màu vẫn hiện ra khi nhân viên cứu hộ tiếp tục giải cứu những nạn nhân sống sót thần kỳ dù thời điểm “vàng” (72 giờ sau thảm họa) đã qua. Ngày 13-2, một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ được giải cứu sau 170 giờ bị mắc kẹt trong khi một đội khác đang đào đường hầm để tiếp cận 3 người trong gia đình, trong đó có em bé 30 ngày tuổi. Tuy nhiên, những tín hiệu tốt lành như vậy đang dần trở nên hiếm hoi khi số người chết không ngừng tăng lên. “Chúng tôi đều làm việc suốt 24 giờ không ngủ... Tất cả chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi đưa được những người còn sống ra khỏi đống đổ nát”, một nhân viên cứu hộ quốc tế nói.

Nguy cơ dịch bệnh lây lan

Trong bối cảnh lo ngại về vấn đề vệ sinh và sự lây lan của dịch bệnh trong khu vực, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca hồi cuối tuần qua cho biết, vắc-xin phòng bệnh dại và uốn ván đã được gửi đến vùng động đất và các hiệu thuốc lưu động đã bắt đầu hoạt động ở đó.

Trong khi đó, tại Syria, các chuyên gia y tế cảnh báo trận động đất tàn khốc có thể làm trầm trọng thêm đợt bùng phát dịch tả vốn lần đầu tiên được phát hiện vào năm ngoái ở nước này. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo (OCHA), hơn 2,1 triệu người ở tây bắc Syria đang sống ở các quận có nguy cơ bùng phát dịch tả cao nhất.

Người dân và nhân viên cứu trợ đến từ các thành phố khác cho biết điều kiện an ninh tại vùng thảm họa động đất ngày càng tồi tệ khi tình trạng cướp bóc các cửa hàng và những ngôi nhà sập diễn ra tràn lan. Một số đội cứu hộ quốc tế thông báo đã tạm ngừng các hoạt động do các vấn đề an ninh và có tin về các vụ đụng độ giữa những nhóm người và cả các vụ nổ súng.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành điều tra các nhà thầu được cho là có liên quan đến những tòa nhà bị đổ sập trong trận động đất. Dù trận động đất rất mạnh nhưng nhiều người cho rằng chất lượng công trình xây dựng kém đã làm gia tăng mức độ tàn phá và thiệt hại.

Syria đang bị lãng quên?

Trong khi hầu như các nguồn viện trợ đang đổ về Thổ Nhĩ Kỳ thì ở Syria, trận động đất ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát khiến nhiều người một lần nữa trở thành người vô gia cư bởi trước đó họ phải di dời nhiều lần do nội chiến kéo dài hàng thập niên. Khu vực này vốn nhận được rất ít viện trợ so với các khu vực do chính phủ nắm giữ. Cuối tuần vừa qua, ít nhất 12 xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã lên đường tiến vào khu vực Tây Bắc Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chừng đó chẳng khác gì “muối bỏ bể”. Trên Twitter, Giám đốc cơ quan cứu trợ LHQ Martin Griffiths khẳng định: “Đến nay chúng ta đã khiến người dân ở Tây Bắc Syria thất vọng. Họ cảm thấy thực sự bị bỏ rơi. Họ trông mong sự giúp đỡ quốc tế nhưng vẫn chưa thấy. Chúng ta cần mở thêm nhiều điểm truy cập và nhanh chóng nhận được nhiều viện trợ hơn”.

Ngày 12-2, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho rằng việc cần làm ngay lúc này là bỏ phiếu yêu cầu LHQ cho phép mở thêm các cửa khẩu biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ để các gói viện trợ nhân đạo có thể tiếp cận người dân một cách nhanh nhất. Syria, nơi có đến 68% dân số sống nhờ viện trợ nhân đạo quốc tế, hiện chỉ được sử dụng một cửa khẩu biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ do các lệnh cấm vận vì nội chiến.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Damascus chiều 12-2 để bàn việc mở cửa cho nhiều hàng hóa hơn đến nước này. Tuy nhiên, ngay cả khi Damascus đã cho phép các đoàn xe viện trợ đi qua các khu vực do chính phủ kiểm soát, thì WHO vẫn cần sự đồng ý từ các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát trước khi đi vào khu vực cần hỗ trợ.

Giới chức Qatar ngày 12-2 cho biết, nước này sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria 10.000 cabin và xe cắm trại được dùng trong World Cup 2022 để làm nơi trú ẩn cho người dân sau thảm họa động đất kinh hoàng.

Đoàn Việt Nam tặng thiết bị y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ
Chiều 12-2, tại thành phố Adiyaman (Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ), đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ quốc tế của Bộ Công an Việt Nam trao tặng 2 tấn thiết bị y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp (AFAD) của nước này. Số hàng viện trợ này bao gồm: các loại thuốc cấp cứu, cơ số thuốc thiết yếu, vật tư y tế, lều trại dùng trong dã chiến; các phương tiện, hóa chất phòng chống dịch, và thiết bị y tế sử dụng trong tình huống cấp cứu thảm họa.

THƯ LÊ

.