Quốc tế

Thế giới tuần qua: Thảm hoạ 'tồi tệ nhất 100 năm' ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria; EU trước 'lằn ranh đỏ' mới

08:19, 12/02/2023 (GMT+7)

Trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và công cuộc cứu hộ thảm họa đã trở thành tâm điểm của thế giới trong tuần qua. Bên cạnh đó, chuyến thăm EU của Tổng thống Ukraine cũng thu hút sự quan tâm của quốc tế.

Số nạn nhân thiệt mạng vượt qua 25.000 người, hoạt động cứu trợ gặp nhiều khó khăn

Ngày 11-2, theo hãng tin AFP, sự hỗ trợ quốc tế tiếp tục tập trung vào một số vùng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nơi lực lượng cứu hộ vất vả cứu những nạn nhân khỏi đống đổ nát ở những khu vực bị tàn phá bởi trận động đất kinh hoàng khiến con số thiệt mạng tính đến thời điểm này đã lên đến hơn 25.000 người.

Đợt đóng băng do mùa đông ở những khu vực bị ảnh hưởng đã khiến những nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn và làm trầm trọng thêm sự tổn thất của hàng triệu người, rất nhiều nạn nhân đang rất cần hỗ  trợ.

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo ít nhất 870.000 người cần lương thực khẩn cấp ở hai quốc gia sau trận động đất, khiến 5,3 triệu người mất nhà cửa chỉ riêng ở Syria. Các dư chấn sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 6-2 đã làm tăng thêm số người chết và làm đảo lộn cuộc sống của những người sống sót.

Fidan Turan, một người hưu trí ở Antakya, thành phố phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Khi chứng kiến những tòa nhà bị phá hủy, những thi thể, tôi không thể biết mình sẽ ở đâu trong hai hoặc ba năm nữa. Tôi đã mất 60 thành viên trong đại gia đình của mình".

Hiện Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ đã kêu gọi 77 triệu USD để cung cấp khẩu phần lương thực cho ít nhất 590.000 người mới phải di dời ở Thổ Nhĩ Kỳ và 284.000 người ở Syria. Trong số đó, 545.000 người di tản ở trong nước và 45.000 người phải đi tị nạn.

Văn phòng nhân quyền của LHQ hôm 10-2 kêu gọi tất cả các bên trong khu vực bị ảnh hưởng - nơi các chiến binh người Kurd và quân nổi dậy Syria hoạt động - cho phép tiếp cận nhân đạo.

Đảng Công nhân người Kurd bị Ankara và các đồng minh phương Tây coi là một nhóm khủng bố, đã tuyên bố tạm dừng giao tranh để khắc phục hậu quả động đất.

Ở vùng Tây Bắc Syria do phe nổi dậy kiểm soát, khoảng 4 triệu người sống nhờ vào cứu trợ nhân đạo nhưng đã không có hàng viện trợ nào từ các khu vực do chính phủ kiểm soát trong ba tuần. Chính phủ Syria cho biết họ đã phê duyệt việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực bị động đất tàn phá nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Chỉ có hai đoàn xe viện trợ đã vượt qua biên giới trong tuần này từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các nhà chức trách đang tham gia vào một hoạt động cứu trợ động đất thậm chí còn lớn hơn cuộc xung đột của chính họ.

Một thập kỷ nội chiến và các cuộc oanh tạc từ trên không ở Syria đã phá hủy các bệnh viện và gây ra tình trạng thiếu điện và nước.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths ngày 11-2 mô tả trận động đất kinh hoàng vừa qua ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria là "sự kiện tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua ở khu vực này".

Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an cho phép mở các điểm viện trợ nhân đạo xuyên biên giới mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hội đồng Bảo an sẽ nhóm họp để thảo luận về Syria, có thể vào đầu tuần tới.

"Thảm kịch diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong tuần này là thời điểm mà tất cả chúng ta phải cùng nhau hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng", Tổng thư ký LHQ Guterres nói khi kêu gọi "sự khác biệt chính trị phải được đặt sang một bên".

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang làm việc để mở hai tuyến đường mới vào các khu vực do phiến quân kiểm soát ở Syria.

Mùa đông lạnh cóng đã khiến hàng nghìn người phải qua đêm trong ô tô hoặc quây quanh những đống lửa tạm thời đã trở nên phổ biến khắp khu vực bị động đất tàn phá. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 12.000 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng trong trận động đất.

Mustafa Erdik, Giáo sư tại Đại học Bogazici có trụ sở tại Istanbul, nhận xét: “Các tầng nhà chồng chất lên nhau, điều đó có nghĩa là cơ hội tìm thấy những người còn sống là rất mong manh".

Tổng thống Ukraine hối thúc châu Âu hỗ trợ máy bay chiến đấu

Trong tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến công du đến Anh, Pháp và trụ sở của EU ở Brussels với mục đích kêu gọi sự hỗ trợ máy bay chiến đấu.

Trong chuyến thăm bất ngờ tới London hôm 8-2, ông Zelensky nói với các chính trị gia Anh rằng Ukraine đang "thỉnh cầu đôi cánh cho tự do".

Từ trái qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Ukraine Zelensky và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại cuộc họp báo chung ở Brussels ngày 9-2-2023. Ảnh: AP
Từ trái qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Ukraine Zelensky và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại cuộc họp báo chung ở Brussels ngày 9-2-2023. Ảnh: AP

"Tôi kêu gọi các bạn và thế giới bằng những từ đơn giản nhưng quan trọng nhất: máy bay chiến đấu cho Ukraine, đôi cánh cho tự do. Hai năm trước, tôi cảm ơn các bạn vì trà Anh ngon. Hôm nay tôi sẽ cảm ơn tất cả các bạn trước vì những chiếc máy bay mạnh mẽ của Anh", ông nói trong một bài phát biểu tại London.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Rishi Sunak cho biết chương trình huấn luyện của Anh dành cho quân nhân Ukraine sẽ được mở rộng để lần đầu tiên bao gồm các phi công lái máy bay chiến đấu. Theo các quan chức Anh, chương trình này sẽ "đảm bảo các phi công có thể lái các máy bay chiến đấu hiện đại theo tiêu chuẩn NATO trong tương lai".

Anh cùng với Mỹ trước đó đã từ chối cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16, F-35 và Typhoon của phương Tây, vốn được nhiều nhà phân tích coi là "lằn ranh đỏ" đối với những người ủng hộ quốc tế của Ukraine.

Một phát ngôn viên của Chính phủ Anh hồi tháng trước cho biết các máy bay chiến đấu "cực kỳ tinh vi" "phải mất nhiều tháng để học cách vận hành" và do đó, việc đưa những chiếc máy bay đó đến Kiev là "không thực tế". Anh không sử dụng máy bay phản lực F-16 mà Ukraine đã đề cập trước đây, nhưng có máy bay F-35 và Typhoon.

Nhưng hôm 8-2, ông Sunak nói "không có gì không thể thảo luận" và các máy bay chiến đấu tiên tiến là "một phần của cuộc gặp". Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đang "tích cực xem xét" các lựa chọn xung quanh máy bay chiến đấu cho Ukraine.

"Chúng tôi đang đánh giá xem chúng tôi có thể cung cấp loại máy bay phản lực nào, nhưng nhấn mạnh tính chất lâu dài của việc đào tạo liên quan đến vấn đề phức tạp này", vị quan chức Anh trên nói.

Phản ứng về vấn đề trên, Đại sứ quán Nga tại London cho biết Moskva "sẽ biết cách đáp trả bất kỳ hành động không thân thiện nào của phía Anh", cảnh báo rằng việc cung cấp máy bay chiến đấu sẽ là "một sự leo thang của Anh".

Đến Paris vào tối cùng ngày để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Zelensky cho biết hai quốc gia châu Âu có cơ hội trở thành "những người thay đổi cuộc chơi".

Tổng thống Macron nói với nhà lãnh đạo Ukraine rằng: "Chừng nào Nga còn tiếp tục tấn công, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh và tiết chế sự hỗ trợ quân sự cần thiết để bảo vệ Ukraine".

Tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU ngày 9-2 đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh, nơi lần đầu tiên có sự tham gia trực tiếp của Tổng thống Ukraine Zelensky.  Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola nói với ông Zelensky rằng các quốc gia thành viên của EU "phải nhanh chóng xem xét bước tiếp theo là cung cấp các hệ thống tầm xa và máy bay phản lực mà Kiev cần để bảo vệ quyền tự do của mình".

Mặc dù vậy, EU cuối cùng đã không cam kết cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev. Ngoài ra, Brussels đã công bố kế hoạch áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moskva vào dịp kỷ niệm một năm hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

"Tôi nghĩ rằng một số quốc gia thành viên EU có thể đồng ý gửi máy bay chiến đấu riêng lẻ, nhưng tôi cho rằng khó có bất kỳ thỏa thuận tập thể nào, ít nhất là sớm", Nghị sĩ châu Âu của Đức Gunnar Beck nói với tờ Izvestia (Nga). Ông Beck giải thích rằng không có cơ sở pháp lý nào cho điều đó trong các hiệp ước của EU, trong khi các vấn đề quốc phòng và an ninh bên ngoài vẫn là đặc quyền của các nước thành viên.

Về phần mình, Giám đốc Chương trình Câu lạc bộ Thảo luận Valdai Oleg Barabanov lập luận rằng quyết định viện trợ máy bay chiến đấu sẽ được đưa ra bằng mọi cách, ngay cả khi nó không diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Các cuộc thảo luận có thể sẽ tiếp tục tại cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels vào ngày 14 - 15-2 tới.

Theo ông Bruno Lete, thành viên cấp cao của Quỹ Marshall của Đức, có khả năng cao các nước phương Tây sẽ gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine, thậm chí trong đó có cả Đức.

Trong một phát biểu được DW trích dẫn, chuyên gia này cho rằng đây không phải là lần đầu tiên phương Tây vượt “lằn ranh đỏ” trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời đề cập đến việc gửi xe tăng Leopard 2 và trước đó là các bệ tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS).

Ông Lete cho rằng, Đức cũng đã nhìn sang Mỹ để đưa ra quyết định về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine. “Nếu Mỹ đồng ý gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine, tôi nghĩ Đức cũng sẽ tham gia”.

Theo baotintuc.vn

.