Quốc tế

Bắc Mỹ cảnh giác trước các vật thể bay không xác định

09:01, 13/02/2023 (GMT+7)

Bầu trời Bắc Mỹ đang trong tình trạng cảnh giác cao trước sự xuất hiện của các vật thể bay không xác định (UFO) trong tuần qua. Những vụ bắn hạ các vật thể này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Washington - Bắc Kinh tăng nhiệt sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ trước đó.

Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn hạ một UFO trên bầu trời Canada ngày 11-2 (giờ địa phương) theo lệnh của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Getty Images
Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn hạ một UFO trên bầu trời Canada ngày 11-2 (giờ địa phương) theo lệnh của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Getty Images

Mỹ và Canada phối hợp hành động

Theo AP, quân đội Mỹ, theo lệnh của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, bắn hạ một UFO trên bầu trời Canada hôm 11-2 (giờ địa phương). Đây là vật thể thứ ba được phát hiện xâm nhập không phận Bắc Mỹ và bị bắn hạ chỉ trong một tuần, qua đó tiếp tục làm dấy lên đồn đoán về chương trình do thám của lực lượng bên ngoài tại khu vực này.

Trên Twitter, ông Trudeau cho biết, máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ thuộc Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD), do Mỹ và Canada cùng điều hành, đã bắn hạ vật thể này trên bầu trời Yukon, phía tây bắc Canada. Đây là lần đầu tiên một chiến dịch của NORAD bắn hạ vật thể trên không. Chiếc F-22 bắn hạ vật thể bằng tên lửa AIM 9X - loại vũ khí tương tự được sử dụng để bắn khinh khí cầu Trung Quốc trước đó. Nhà lãnh đạo Canada thông báo, các lực lượng của Canada sẽ thu thập và phân tích các mảnh vỡ từ vật thể bị bắn hạ.

Hiện, nguồn gốc của vật thể này vẫn là điều bí ẩn. Các quan chức Mỹ và Canada chỉ cung cấp một số chi tiết, bao gồm vật thể hình trụ, có kích thước bằng chiếc ô tô, nhỏ hơn khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ song có hình dáng tương tự, bay ở độ cao 12km, dường như không có người lái và gây rủi ro cho giao thông hàng không dân sự.

Sự việc trên diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh bắn hạ một UFO khác xuất hiện trong không phận khu vực đông bắc Alaska (Mỹ), gần biên giới Canada, sau khi giới chức đánh giá nó có khả năng gây mối đe dọa đối với an toàn hàng không dân dụng. “Chiến dịch thu thập mảnh vỡ của thiết bị bay bị bắn hạ đang diễn ra tại khu vực Deadhorse (bang Alaska).

Đến nay, chúng tôi vẫn chưa có thêm thông tin về khả năng, mục đích hay xuất xứ của vật thể ”, tuyên bố của NORAD cho biết. Một số mảnh vỡ của vật thể này đã được thu thập tại vùng biển gần bang Alaska trong điều kiện thời tiết được cải thiện khi quân đội Mỹ có thể sử dụng người nhái và các phương tiện không người lái trong công tác tìm kiếm. Đánh giá ban đầu cho thấy, vật thể này không có thiết bị do thám, có kích thước nhỏ hơn và mức độ công nghệ thấp hơn khí cầu Trung Quốc và có hình dáng khác với vật thể bị bắn hạ ở Canada.

Nâng cao cảnh giác

Trong diễn biến đáng chú ý khác, theo AFP, cơ quan chức năng đã đóng cửa một phần không phận bang Montana vào tối 11-2 sau khi phát hiện tín hiệu radar bất thường do có một vật thể lạ xuất hiện trên bầu trời có thể cản trở các chuyến bay thương mại. Khu vực không phận bị đóng nằm phía trên hạt Havre, không xa biên giới Mỹ và Canada. Đến nay, không phận đã được mở lại.

Theo CNN, tại thời điểm này, không có dấu hiệu nào cho thấy các UFO có bất kỳ mối liên hệ nào với khinh khí cầu Trung Quốc nhưng có vẻ như các quan chức an ninh ở khu vực Bắc Mỹ vẫn đang cảnh giác. Việc hai nước Bắc Mỹ cùng xử lý UFO cho thấy hai bên tái khẳng định sẽ luôn cùng nhau bảo vệ chủ quyền quốc gia như lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand.

“Năm ngoái, chúng tôi công bố nâng cấp hệ thống phòng thủ lục địa và NORAD với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ USD”, bà Anand nói. Việc nâng cấp tập trung cải thiện khả năng của NORAD trong việc phát hiện và theo dõi các vụ xâm nhập vào không phận Bắc Mỹ. Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho biết, hai nước đang tăng cường năng lực của Hệ thống Cảnh báo phương Bắc, gồm phát triển hệ thống cảm biến mới có tên là Crossbow giúp nâng cao khả năng của NORAD trong việc phát hiện các mối đe dọa trên không đang đến gần.

Đến nay, quân đội Mỹ đã thu hồi một lượng đáng kể các mảnh vỡ từ khinh khí cầu Trung Quốc dưới đáy đại dương. Wall Street Journal ngày 12-2 dẫn báo cáo ban đầu dựa trên ảnh chụp từ máy bay do thám của Mỹ cho thấy khí cầu của Trung Quốc mang theo các thiết bị có khả năng thu thập thông tin tình báo.

Cụ thể, khí cầu mang theo nhiều ăng-ten, trong đó có những loại có khả năng xác định vị trí thông tin liên lạc. Bên cạnh đó, nó còn mang theo các tấm pin mặt trời lớn đủ để cung cấp năng lượng cho cảm biến có khả năng thu thập thông tin tình báo. Hôm 10-2, chính quyền Tổng thống Biden đưa thêm 6 thực thể Trung Quốc có liên quan đến khinh khí cầu vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu. Bộ Thương mại Mỹ nói rõ, 5 công ty và 1 viện nghiên cứu của Bắc Kinh hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là các chương trình hàng không vũ trụ của Quân đội Giải phóng Nhân dân, bao gồm khinh khí cầu.

THƯ LÊ

.