Quốc tế
IEA triệu tập cuộc họp thảo luận khẩn cấp về nguồn cung khí đốt tự nhiên
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 10-2 thông báo triệu tập cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng năng lượng để thảo luận khẩn cấp về nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Exxon-Mobil ở Port Jerome, Normandy, Pháp. Ảnh: TTXVN |
Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 15-2 tới theo hình thức trực tuyến. Nếu diễn ra, đây sẽ là hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng đầu tiên IEA triệu tập trong những năm gần đây. IEA có nhiệm vụ cung cấp tư vấn chính sách cho các nước tiêu thụ năng lượng đồng thời giúp điều phối việc sử dụng các kho dự trữ dầu khẩn cấp của 31 quốc gia thành viên. Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, các biện pháp mà cơ quan này đưa ra sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine đã góp phần giúp các quốc gia châu Âu ứng phó với tình hình trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc, do đó cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là để sẵn sàng cho mùa Đông tới.
Ông Fatih Birol cho biết thêm IEA triệu tập cuộc họp này vì các nước thành viên và các đối tác khác cần tiếp tục thể hiện sự đoàn kết và thực hiện những bước đi cụ thể để đảm bảo an ninh nguồn cung. Dự kiến, cuộc họp sẽ có sự tham dự của bộ trưởng một số nước không phải là thành viên IEA và sẽ xem xét những tác động toàn cầu của việc cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Theo IEA, cuộc họp dự kiến sẽ xác định và thông qua các biện pháp cải thiện sự cân bằng giữa cung và cầu khí đốt, cũng như các hành động có thể hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn của các quốc gia châu Âu mà không làm tổn hại các mục tiêu khí hậu dài hạn.
Cuộc xung đột ở Ukraine và nguồn cung khí đốt bị cắt giảm sau đó do các nước châu Âu áp đặt trừng phạt Nga đã khiến giá năng lượng tăng vọt. Khi các quốc gia châu Âu chuyển sang nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), giá mặt hàng này trên thế giới cũng tăng cao. Tuy nhiên, sau đó giá khí đốt đã giảm từ mức đỉnh ghi nhận năm ngoái do thời tiết tương đối ấm đã giúp các nước châu Âu vượt qua được mùa Đông và không lo ngại bị thiếu hoặc gián đoạn nguồn cung.
Theo TTXVN