Quốc tế

Pháp "dậy sóng" vì cải cách hưu trí

09:20, 18/03/2023 (GMT+7)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ đạo Thủ tướng Elisabeth Borne vận dụng đặc quyền được quy định trong Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi mà không cần bỏ phiếu ở Quốc hội.

Hàng ngàn người biểu tình phản đối dự luật cải cách lương hưu tại Paris (Pháp) ngày 16-3. Ảnh: AP
Hàng ngàn người biểu tình phản đối dự luật cải cách lương hưu tại Paris (Pháp) ngày 16-3. Ảnh: AP

Động thái trên sẽ bảo đảm dự luật tăng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm, lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng cơ chế lương hưu tối thiểu được phê duyệt sau nhiều tuần tranh luận gay gắt. Đây cũng là diễn biến cho thấy chính quyền của ông Macron không giành được đa số ủng hộ trong Quốc hội.

Từ hỗn loạn ở Quốc hội đến biểu tình đường phố

Ngày 16-3, Thủ tướng Borne đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ khi thông báo viện dẫn điều 49.3 trong Hiến pháp để bỏ qua quy trình bỏ phiếu phê duyệt cải cách hưu trí tại Quốc hội. Một số người phản đối dự luật cầm biểu ngữ ghi “Nói không với 64 tuổi nghỉ hưu”. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu phản đối cải cách; đồng thời yêu cầu Thủ tướng Borne từ chức. Song, bà Borne bác bỏ khả năng rút lui vì phải thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phía trước. Theo Reuters, đây là cảnh hỗn loạn hiếm hoi tại Quốc hội Pháp.

Sự giận dữ của các nghị sĩ ở Quốc hội diễn ra đồng thời với nỗi bất bình của các nghiệp đoàn toàn quốc khi họ liên tục tổ chức đình công và biểu tình từ tháng 1-2023 để phản đối dự luật. Bước đi mạo hiểm của Chính phủ Pháp chẳng khác nào “giọt nước làm tràn ly” khiến các cuộc biểu tình chuyển thành bạo loạn. Ngày 16-3, hàng ngàn người biểu tình tập trung tại quảng trường đối diện trụ sở Quốc hội, khiến cảnh sát phải bắn hơi cay để giải tán đám đông.

Ít nhất 120 người bị bắt trong các vụ bạo loạn đường phố. Tình trạng tương tự diễn ra tại nhiều thành phố khác, từ Rennes đến Nantes ở miền đông sang Lyon và Marseille ở miền nam. Các nghiệp đoàn cảnh báo tiếp tục tạo các “nút thắt cổ chai” làm tê liệt hoạt động kinh tế, trong đó kêu gọi công nhân môi trường và nhà máy lọc dầu đình công biểu tình trong những ngày tới. “Cải cách hưu trí thực sự bất công, phi lý đối với tầng lớp lao động. Đối thoại không có tác dụng với ông Macron nên lựa chọn duy nhất là phải cực đoan hóa cuộc biểu tình”, một sinh viên biểu tình nói.

Ban đầu Tổng thống Macron muốn bỏ phiếu thông qua dự luật nhưng sau đó lại đảo ngược quyết định sau khi xem xét rủi ro tài chính, kinh tế quá lớn nếu dự luật bị Quốc hội bác bỏ. Tổng thống Macron xác định, cải cách lương hưu là ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai này khi cho rằng đây là điều hết sức cần thiết để giữ hệ thống lương hưu không sụp đổ vào cuối thập niên này, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ người lao động trên số người hưu trí đang giảm. Giống như nhiều nước phát triển khác, Pháp đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao hơn. Khoản thanh toán lương hưu dự kiến chiếm tới 14,7% GDP vào năm 2032, thay vì 13,8% hiện nay.

Canh bạc chính trị của Tổng thống Macron

Đảng Mặt trận quốc gia Pháp của bà Le Pen và đảng cánh tả France Insoumise (Nước Pháp bất khuất) cho biết sẽ thúc đẩy cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ trong tuần tới song cần phải có hơn một nửa nghị sĩ Quốc hội đồng ý. Nếu đa số nghị sĩ thông qua, đây sẽ lần đầu tiên Chính phủ phải từ chức kể từ năm 1962. Ông Macron có thể tái bổ nhiệm bà Borne nếu muốn.

Nếu cuộc bỏ phiếu không thành công, phe đối lập có thể yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét lại hoặc tiến hành trưng cầu dân ý nhằm cản trở thi hành dự luật trong nhiều tháng. Ông Melody Mock-Gruet, chuyên gia về các vấn đề quốc hội, cho biết: “Ngay cả khi Thủ tướng Borne vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, thì việc cải tổ chính phủ sẽ không thể tránh khỏi”.

Cuộc “đại tu” hệ thống lương hưu của Tổng thống Macron có thể báo trước sự kết thúc chương trình nghị sự trong nước của ông. Hay nói cách khác, ông Macron sẽ đối mặt hàng loạt thách thức không nhỏ khi ban hành bất kỳ chính sách đối nội nào khác trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Điều này không chỉ cho thấy các mục tiêu về di cư và cải cách việc làm có thể nằm ngoài tầm với của ông Macron mà còn dẫn đến tình trạng lục đục nghiêm trọng hơn trong hệ thống lập pháp của nước này.

Theo New York Times, kế hoạch táo bạo trên đã động chạm vào khía cạnh sâu sắc và nhạy cảm nhất trong xã hội Pháp bởi vì nước này có hệ thống bảo trợ xã hội tốt nhất thế giới, tôn trọng cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn mọi nước công nghiệp phương Tây.

Pháp có một hệ thống hưu trí được đánh giá cao khi tạo khối đoàn kết giữa các thế hệ. Sự gắn bó của người dân với nghỉ hưu rất phức tạp, liên quan tới lịch sử, bản sắc và niềm tự hào về các quyền lao động. Đây chính là một trong các lý do khiến người lao động tỏ ra không khoan nhượng với dự luật.

THƯ LÊ

.