Quốc tế
Cú sốc với thị trường tài chính quốc tế
Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) quyết định sẽ cho Tập đoàn tài chính Credit Suisse AG vay 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,7 tỷ USD) để “chống lưng” cho họ trong bối cảnh những rắc rối của Ngân hàng Credit Suisse làm dấy lên nhiều lo ngại về “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng toàn cầu sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở Mỹ vừa qua.
Ngân hàng Credit Suisse liên tục chịu tổn thất tài chính trong các năm qua trước khi đi tới “bước đường cùng” với khoản vay hơn 50 tỷ USD để duy trì hoạt động. Ảnh: Bloomberg |
Thị trường tài chính toàn cầu nháo nhào ngày 15-3 sau khi Credit Suisse công bố báo cáo tài chính với những khó khăn rất lớn, buộc họ phải vay hàng chục tỷ USD để bảo đảm thanh khoản và giải quyết các vấn đề khác. Giá cổ phiếu Credit Suisse lao dốc tới 24% và những thông tin tiêu cực khác của ngân hàng có tuổi đời 167 năm này đã khiến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jone giảm gần 1% và các cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu lao dốc, kéo theo mức giảm tới 3% của chỉ số chứng khoán Stoxx toàn châu Âu.
Mối lo ngại đối với kinh tế toàn cầu
Giữa lúc rối ren, Credit Suisse còn phải đối mặt với cú sốc khác khi nhà đầu tư lớn nhất là Ngân hàng quốc gia Saudi (sở hữu 9,88% cổ phần) phát tín hiệu sẽ không đổ thêm tiền vào hỗ trợ Credit Suisse vượt qua giai đoạn thách thức. Thực tế, Credit Suisse đã gặp một loạt vấn đề nghiêm trọng trong nhiều năm qua và những rắc rối mới nhất xảy ra với ngân hàng này không giống với những gì đã dẫn tới sự sụp đổ của SVB.
Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là khác với SVB, Credit Suisse có tầm mức lớn hơn và cũng có liên kết rộng rãi hơn với hệ thống tài chính toàn cầu. Theo đó, các vấn đề xảy ra với Credit Suisse làm dấy lên nhiều lo ngại về sự ổn định của hệ thống ngân hàng toàn cầu. Cùng với Saudi Arabia, Qatar là nhà đầu tư lớn khác tại Credit Suisse khi nắm giữ 6,8% cổ phần. “Credit Suisse dẫn đến mối lo lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế toàn cầu so với các ngân hàng khu vực của Mỹ. Credit Suisse không chỉ là vấn đề của Thụy Sĩ, mà còn là một vấn đề toàn cầu”, ông Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Âu của công ty nghiên cứu Capital Economics (Anh) nói. Đến nay, SNB cũng chưa nói sẽ hỗ trợ loại thanh khoản nào cho Credit Suisse.
Theo sát các tình huống
“Nếu quả thực Credit Suisse đã bước vào giai đoạn thực sự hỗn loạn, đó sẽ là diễn biến gây lo ngại lớn”, ông Nicolas Véron, chuyên viên cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Bruegel và là thành viên tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, nhận định với Wall Street Journal. Đồng quan điểm này, ông Joost Beaumont, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngân hàng của Ngân hàng ABN Amro (Hà Lan) cho biết, nếu các nhà quản lý không xử lý tốt tình huống của Credit Suisse, việc này sẽ gây chấn động tới toàn lĩnh vực. Vấn đề sẽ tồi tệ hơn khi cả hai bờ Đại Tây Dương đều gặp các vấn đề về ngân hàng.
Trong khi đó, các chuyên gia khác hiện chưa rõ các rắc rối của Credit Suisse có thể lan rộng tới đâu. Biến cố của Credit Suisse một lần nữa đặt ra vấn đề liệu đây là sự khởi đầu cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hay chỉ là một sự vụ đơn lẻ khác, sau vụ sụp đổ của SVB. “Credit Suisse từng được nhìn nhận như là sự liên kết yếu nhất giữa các ngân hàng lớn của châu Âu, nhưng nó không phải là ngân hàng duy nhất phải chật vật với mức lợi nhuận yếu trong những năm gần đây… bởi thế sẽ là ngớ ngẩn khi cho rằng sẽ không có những vấn đề rắc rối khác phát sinh từ đây”, ông Andrew nói.
Tình huống mới của Credit Suisse có thể sẽ là nhân tố gây tác động tới Ngân hàng Trung ương châu Âu khi tổ chức này nhóm họp vào ngày 16-3 (giờ địa phương) để bàn việc có tiếp tục tăng lãi suất nữa hay không. Trong diễn biến liên quan, ngày 15-3, Ngân hàng Trung ương Anh tổ chức họp khẩn với các đối tác quốc tế trước những biến động đáng ngại của Credit Suisse. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ theo sát tình huống và duy trì liên lạc với các đối tác toàn cầu để ứng phó phù hợp.
Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ, sau Tập đoàn UBS Group AG, và là tổ chức lớn nhất trong các thị trường tài chính quốc tế với các hoạt động trải rộng trên toàn châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Theo Wall Street Journal, tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng này là 580 tỷ USD, nhiều hơn gấp đôi so với tổng tài sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ vừa sụp đổ. Credit Suisse vốn là nơi người giàu trên thế giới gửi tiền vì ngân hàng này hoạt động rất cẩn trọng. Điều này khiến cho cuộc khủng hoảng hiện nay của Credit Suisse càng gây sốc và khó hiểu. |
TRẦN ĐẮC LUÂN