Trung Quốc - Belarus chia sẻ lập trường về vấn đề Ukraine

.

“Cuộc gặp giữa những người bạn cũ” là cách mà truyền thông chính thống của cả Trung Quốc lẫn Belarus mô tả về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trong chuyến thăm cấp Nhà nước 3 ngày tới Trung Quốc của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Nhà lãnh đạo của hai nước đã thông qua tuyên bố chung về những nguyên tắc cơ bản nhằm phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và bền vững giữa hai nước trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tiếp Tổng  thống Belarus Alexander Lukashenko tại Bắc Kinh ngày 1-3. Ảnh: Xinhua
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tiếp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Bắc Kinh ngày 1-3. Ảnh: Xinhua

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón rất trọng thị “người bạn cũ” của ông, Tổng thống Alexander Lukashenko, trong ngày 1-3. Global Times mô tả cuộc gặp là sự tiếp nối của tình hữu nghị giữa hai quốc gia sau khi nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2022.

Quan hệ hợp tác mẫu mực

Sau cuộc hội đàm thân mật lâu hơn dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Lukashenko ký tuyên bố chung về các nguyên tắc chính trong phát triển mối quan hệ mẫu mực về hợp tác chiến lược toàn diện trong mọi điều kiện giữa Belarus và Trung Quốc. Rất nhiều văn kiện hợp tác được ký kết trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, hải quan, khoa học và công nghệ, y tế, du lịch, thể thao và hợp tác liên khu vực.

Trung Quốc đánh giá cao sự ủng hộ vững chắc của Belarus với lập trường của Trung Quốc trong nhiều vấn đề. Theo Global Times, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, hai bên nên ủng hộ nhau một cách kiên định trong lựa chọn của mỗi nước về đường hướng phát triển, hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mỗi nước, chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ, đồng thời bảo vệ chủ quyền và an ninh chính trị của từng quốc gia.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại, triển khai hiệu quả việc xây dựng Khu công nghiệp Trung Quốc - Belarus, tập trung vào những phần khớp nối trong Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác trong các dự án kết nối như dịch vụ đường sắt cao tốc Trung Quốc - châu Âu. Tổng thống Lukashenko bày tỏ quan điểm sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong BRI, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Phát triển toàn cầu do Bắc Kinh khởi xướng, đồng thời mong muốn tăng cường phối hợp với Trung Quốc trong các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.

Các chuyên gia tin rằng chuyến thăm của ông Lukashenko diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Trung Quốc đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác kinh tế cũng như hợp tác quốc tế sau Covid-19. Cùng với sự phát triển của quan hệ song phương, hai nước cũng chứng kiến sự bùng nổ quy mô giao thương trong những năm qua. Thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều vượt 5 tỷ USD năm 2022, tăng 33% so với năm 2021.

Trước cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lukashenko gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Lukashenko nhấn mạnh đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 13 của mình trên cương vị tổng thống và khẳng định, việc mở rộng các mối liên hệ với Trung Quốc là ưu tiên chính sách đối ngoại của Belarus.

Ủng hộ giải pháp hòa bình cho Ukraine

Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Belarus và Nga diễn ra sau khi Trung Quốc đề xuất sáng kiến 12 điểm nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Truyền thông Trung Quốc cho biết trao đổi với ông Lukashenko, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, lập trường cốt lõi của Trung Quốc là thúc đẩy đối thoại hòa bình, từ bỏ tư duy thời Chiến tranh lạnh và thiết lập cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững.

Tổng thống Belarus cho biết, nước này hoàn toàn nhất trí và ủng hộ lập trường của Trung Quốc cũng như đề xuất của Bắc Kinh trong giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine. Trong tuyên bố chung, hai bên cam kết ủng hộ hệ thống quốc tế với vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc và phản đối tư tưởng bá quyền cũng như chính trị nước lớn trong mọi tình huống, bao gồm cả những lệnh trừng phạt đơn phương chống lại các nước khác. Hai nước bày tỏ sẵn sàng triển khai những nỗ lực nhằm giảm leo thang khủng hoảng và lập lại hòa bình.

Chuyên gia về Đông Âu Zhao Huirong thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc bình luận, không chỉ là chuyến thăm để gặp gỡ những người bạn cũ và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, chuyến công du của ông Lukashenko còn là hành trình hòa bình. Bởi lẽ là láng giềng của cả Ukraine lẫn Nga, Belarus đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc xung đột đang diễn ra. Bản đề xuất hòa bình 12 điểm của Bắc Kinh cũng phù hợp với những lợi ích của Belarus.

Sự đồng thuận của Trung Quốc và Belarus về vấn đề Ukraine, thông qua chuyến đi của ông Lukashenko, có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy các bên trong cuộc xung đột đàm phán về giải pháp chính trị trong thời gian sớm nhất. Hôm 27-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng lan truyền thông tin sai lệch về việc sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Nga và yêu cầu Washington rút lại các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.