Quốc tế
BRICS xác lập vị thế
Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) đang trên đà vượt nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7- gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh) để trở thành khối kinh tế mạnh nhất thế giới.
Lãnh đạo các nước thành viên BRICS dự hội nghị thượng đỉnh 2022 do Trung Quốc chủ trì vào tháng 6-2022. Ảnh: ThePrint |
Thay đổi cán cân quyền lực trong kinh tế toàn cầu
The Times of India dẫn dữ liệu được tổng hợp bởi công ty nghiên cứu vĩ mô Acorn Macro Consulting (Anh) ngày 9-4 cho thấy, BRICS mang trọng lượng kinh tế lớn hơn G7 khi chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu dựa trên sức mua tương đương. Theo đó, BRICS hiện đóng góp 31,5% GDP toàn cầu, trong khi G7 chỉ đóng góp 30,7%. Bên cạnh đó, BRICS có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới khi đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng của thế giới.
Các nhà phân tích nhận định, khoảng cách giữa hai nhóm dự kiến tiếp tục gia tăng trong những năm tới khi Trung Quốc và Ấn Độ đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Đến năm 2050, nền kinh tế của các quốc gia BRICS được dự báo sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với nền kinh tế của các quốc gia giàu nhất thế giới.
Các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang tìm cách khẳng định mình là đại diện của Nam bán cầu, cung cấp mô hình thay thế G7. Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết, sự quan tâm trên toàn thế giới đối với nhóm BRICS rất lớn. Đầu tháng 3-2023, BRICS nhận 12 lá thư từ các quốc gia bày tỏ ý định muốn gia nhập khối này, trong đó có Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập, Algeria, Argentina, Mexico và Nigeria. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, “chìa khóa” trong quyết định kết nạp thêm thành viên của BRICS là bảo đảm hợp tác hiệu quả hơn nữa và tăng hiệu suất thực tế từ công việc của khối. Sự đồng thuận của các nước thành viên hiện tại của khối sẽ quyết định quốc gia nào và thời điểm nào gia nhập BRICS.
Thách thức mô hình tài chính phương Tây
Theo Reuters, BRICS đang được xem là thách thức lớn với mô hình tài chính phương Tây. Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do khối này thành lập được xem là một giải pháp thay thế hiệu quả cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngân hàng phát triển đa phương này đang huy động các nguồn lực cho những dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững tại các quốc gia thuộc BRICS cũng như những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển (EMDC).
Ngoài ra, khối này đã tạo ra cơ chế thanh khoản với tên gọi “Thỏa thuận dự trữ dự phòng” để hỗ trợ các thành viên đang gặp khó khăn với các khoản thanh toán. Điều này không chỉ hấp dẫn đối với bản thân các quốc gia BRICS mà còn đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác đã từng trải qua giai đoạn khó khăn với các chương trình điều chỉnh cơ cấu và các biện pháp thắt lưng buộc bụng của IMF. Đây là lý do tại sao nhiều quốc gia đang quan tâm đến việc tham gia nhóm BRICS.
Đáng chú ý, BRICS đang lập kế hoạch tạo ra đồng tiền riêng để thay thế sự thống trị của đồng USD và Euro trong các giao dịch trong khối trong bối cảnh Nga đang gặp khó trong các giao dịch quốc tế bởi các lệnh trừng phạt kinh tế. Các thành viên của khối đã có những bước chuyển quan trọng ra khỏi hệ thống tài chính và thương mại quốc tế do Mỹ thống trị. Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Alexander Babakov nói: “Việc chuyển sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia là bước đầu tiên. Kế hoạch tiếp theo là cung cấp lưu thông kỹ thuật số hoặc bất kỳ hình thức nào khác của loại tiền tệ mới trong tương lai gần”.
Global Times dẫn lời ông Marco Fernandes, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu xã hội Tricontinental, cho biết: “Sau khi tịch thu hàng chục tỷ USD dự trữ và tài sản từ các quốc gia như Iran, Venezuela và Afghanistan, việc Mỹ và EU có toan tính muốn tịch thu hơn 300 tỷ USD dự trữ của Nga tái khẳng định tính cấp bách của các giải pháp thay thế cho sự thống trị của USD”. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề xuất sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong các giao dịch với các đồng minh BRICS và các đối tác quốc tế khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil thành lập BRICS năm 2009. Sau đó, năm 2010, Nam Phi cũng gia nhập nhóm. BRICS đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng của thế giới, chiếm khoảng 26% diện tích đất và 42% dân số trên thế giới. Nam Phi đảm nhận cương vị chủ tịch BRICS năm 2023. BRICS cũng được coi là một trọng tâm thương mại, kinh tế và chính trị toàn cầu, trong bối cảnh sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng sâu rộng. |
THƯ LÊ