Đà Nẵng cuối tuần
Phần Lan gia nhập NATO, Thụy Điển chờ đến bao giờ?
Phần Lan vừa trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Thụy Điển phải chờ sự phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary để nối gót Phần Lan.
Cờ của Phần Lan và NATO ở trụ sở Bộ Ngoại giao Phần Lan tại thủ đô Helsinki. Trong khi đó, Thụy Điển vẫn phải chờ sự phê chuẩn của tất cả các quốc gia thành viên NATO để gia nhập khối quân sự này. Ảnh: AFP/Getty Images |
Tháng 5-2022, Phần Lan và Thụy Điển đảo ngược chính sách alliansfrihet (không liên kết quân sự) vốn tồn tại nhiều thập niên và nộp đơn xin gia nhập NATO. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến hai nước Bắc Âu này coi việc gia nhập NATO - với điều khoản quy định về nguyên tắc phòng thủ tập thể - là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh quốc gia. 30/30 thành viên NATO đã phê chuẩn đơn xin gia nhập của Phần Lan và 28/30 nước phê duyệt đơn của Thụy Điển, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Ankara và Budapest cũng là hai nước cuối cùng chuẩn y tư cách thành viên NATO của Helsinki.
Con đường gập ghềnh
Phần Lan và Thụy Điển tưởng như sẽ nắm tay nhau vào NATO. Đơn của Phần Lan được phê duyệt nhanh chóng, nhưng mọi chuyện không suôn sẻ với Thụy Điển; trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ là rào cản khó khăn nhất. Các nhà phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phê chuẩn đơn của Thụy Điển cho đến sau khi Ankara tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 14-5. Còn Hungary khẳng định sẽ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nhưng lại nhiều lần trì hoãn quá trình này. Các nhà ngoại giao NATO hy vọng Budapest sẽ chấp thuận đề xuất của Stockholm nếu thấy Ankara hành động trước.
Vấn đề là Thụy Điển sẽ phải chờ bao lâu? Ngày 4-4-2023, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định: Hợp tác chống khủng bố với Ankara là chìa khóa để phê duyệt đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển. Như vậy, yêu cầu của Ankara chỉ là cái bắt tay cùng chống khủng bố. Song, chưa có dấu hiệu nào về thời điểm và tính chắn chắn của việc Ankara ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.
Nguồn cơn xuất phát từ việc Thụy Điển chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nhân quyền và vượt qua các tiêu chuẩn dân chủ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển chứa chấp các đối tượng mà Ankara coi là khủng bố, gồm nhóm người Kurd và các thành viên phong trào Gulen (Ankara gọi là Tổ chức khủng bố Fethullah, hay FETO), đồng thời yêu cầu dẫn độ những phần tử này để tiến một bước gần hơn đến việc phê chuẩn tư cách thành viên của Stockholm. Căng thẳng giữa hai nước leo thang vào đầu năm nay với những cuộc biểu tình ở Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm. Những người biểu tình còn đốt kinh Koran - hành động mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho là xúc phạm người Hồi giáo.
Khó dự đoán!
Nhà phân tích Robert Dalsjo tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI) nói với hãng thông tấn AFP, nếu tiến trình gia nhập kéo dài thì sẽ làm phức tạp kế hoạch phòng thủ của Thụy Điển và NATO ở khu vực. PGS. Jacob Westberg tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển lưu ý rằng, các quốc gia không phải là thành viên không thể tham gia đầy đủ kế hoạch phòng thủ của NATO.
Ở một góc nhìn khác, bà Anna Wieslander - Giám đốc khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, sự bất đồng trong việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển có thể để lộ sự rạn nứt của liên minh quân sự lớn nhất thế giới được thành lập năm 1949. “Nếu NATO không cho Thụy Điển gia nhập, khối này dường như sẽ yếu đi”, bà Wieslander nói.
Tuy nhiên, theo ông Mathieu Droin - chuyên gia về NATO tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), an ninh của Thụy Điển không chịu nhiều ảnh hưởng dù gia nhập NATO hay chưa. “Thụy Điển vốn rất gần gũi NATO. Trong những năm qua, hai bên còn liên kết chặt chẽ hơn. Một số nước thành viên NATO khác có khả năng bảo đảm an ninh cho cả Thụy Điển lẫn Liên minh châu Âu (EU)”, ông Droin lý giải.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Thụy Điển trải qua 200 năm theo đuổi chính sách alliansfrihet nhưng nước này gần như không có khả năng quân sự mạnh mẽ như thời Chiến tranh Lạnh. Vào những năm 1950, Thụy Điển có ngân sách quốc phòng chiếm tổng cộng khoảng 4% GDP. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Stockholm liên tục cắt giảm con số này, những năm gần đây chỉ duy trì ở mức khoảng 1,3% GDP. Đến năm 2022, chính phủ Stockholm mới thông báo kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong bài phát biểu hồi tháng 3-2023, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson khẳng định quốc gia của ông vẫn “an toàn hơn ngay cả khi chỉ có Phần Lan ở trong NATO”. Tuy nhiên, ông Kristersson cho rằng, câu hỏi không phải là liệu Thụy Điển có trở thành thành viên của NATO hay không, mà là khi nào thì điều đó sẽ xảy ra. “Hãy xem bản đồ! Chúng tôi sẽ được các nước thành viên NATO bao quanh”, ông Kristersson nhấn mạnh, hàm ý đề cập cả sự hỗ trợ về an ninh của Mỹ, Anh và Đức.
Khi nào cờ của Thụy Điển sẽ được kéo lên bên ngoài trụ sở của NATO ở Brussels? Chưa ai trả lời được câu hỏi này, mà chỉ có thể chờ đợi một bước ngoặt nào đó để Thụy Điển cũng chung “một điểm đến” như Phần Lan. “Thật khó để dự đoán”, ông Paul Levin - Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm nói.
Khánh Linh (theo AFP, The Hill)