Quốc tế

Nghi vấn xung quanh vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ

09:13, 10/04/2023 (GMT+7)

Tuần qua chứng kiến các vụ rò rỉ tài liệu tuyệt mật của Mỹ, trong đó thông tin liên quan Ukraine liên tiếp trên mạng xã hội. Trong khi Lầu Năm Góc đang ráo riết truy tìm thủ phạm đứng sau sự vụ này thì Nga lại nghi ngờ tính xác thực của các tài liệu và cho rằng đây chỉ là đòn nghi binh.

Lầu Năm Góc đang điều tra động cơ vụ rò rỉ liên tiếp tài liệu mật của Mỹ trong tuần qua. Ảnh. CNN
Lầu Năm Góc đang điều tra động cơ vụ rò rỉ liên tiếp tài liệu mật của Mỹ trong tuần qua. Ảnh. CNN

Vụ việc gây chấn động giới tình báo diễn ra vào thời điểm nhạy cảm. Theo đó, các kế hoạch bí mật về việc Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ cuộc phản công sắp tới của Ukraine xuất hiện trên internet trước khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đưa ra tuyên bố về chủ đề này. Ngoại trưởng Mỹ cho biết chiến dịch mùa xuân sẽ bắt đầu trong vòng vài tuần nữa.

Những thông tin đáng ngờ nhất

Đây là vụ rò rỉ đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine xảy ra và gây tình trạng nhiễu loạn thông tin về chiến sự. Các tài liệu cũng chứa cả các thông tin nhạy cảm các chủ đề khác nhau, từ hoạt động của lực lượng lính đánh thuê Wagner ở Châu Phi và con đường Israel cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, đến thông tin tình báo về mối quan hệ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với Nga và những lo ngại của Hàn Quốc về việc cung cấp đạn dược cho Mỹ để sử dụng ở Ukraine.

Theo Reuters, ngày 7-4, một số bức ảnh xuất hiện trên mạng được cho là chứa thông tin chi tiết về cuộc tấn công sắp diễn ra theo kế hoạch của Ukraine. Vụ rò rỉ trùng khớp với những thông tin ám chỉ rằng cuộc tập trận Người bảo vệ NATO 2023 vốn được lên kế hoạch vào cuối tháng này có thể là vỏ bọc cho hoạt động tiếp tế và hỗ trợ các đơn vị Ukraine. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Nga tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của tài liệu này.

Đáng chú ý, các kế hoạch được công bố không chỉ có lịch trình cung cấp vũ khí và đạn dược cho các đơn vị Ukraine mà còn có thông tin về cơ cấu của các lữ đoàn và tiểu đoàn được cho là đang chuẩn bị cho cuộc tấn công. Trong tài liệu rò rỉ, các vị trí có thể có của các đơn vị Nga trên bản đồ chiến đấu được thể hiện màu đỏ, dường như đã được thu thập từ các nguồn mở. Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất về nhân lực của lực lượng vũ trang Ukraine và Nga xuất hiện trong các kế hoạch bí mật này đã được thay đổi. Việc sai lệch dữ liệu về sự sẵn sàng của các đơn vị quân đội Ukraine gây chú ý. Kế hoạch rò rỉ cũng đưa ra những con số khó hiểu về thiết bị quân sự.

Mục đích của vụ rò rỉ?

Theo kênh telegram “Military Chronicle”, những lỗi nhỏ nhưng quan trọng và sự không chính xác trong tính toán thiết bị, hạch toán tổn thất đã điều chỉnh, cũng như sự hiện diện của các đơn vị không sẵn sàng cho thấy tài liệu rò rỉ này, dù được cho là kế hoạch bí mật, có thể đã được chuẩn bị và lưu hành không phải bởi quân đội Ukraine mà bởi một nhóm dân thường, có thể là các nhà phân tích ủng hộ Kiev. Dựa trên phán đoán này, Military Chronicle cho rằng, đây có thể là sản phẩm của tình báo phương Tây nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của Nga khỏi các sự kiện khác liên quan đến hoạt động thực tế. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng: “Chúng tôi không nghi ngờ gì về sự can dự trực tiếp hay gián tiếp của Mỹ và NATO vào cuộc xung đột Nga - Ukraine”.

Trong khi đó, CNN dẫn lời ông Dmitri Alperovitch, người sáng lập Viện Nghiên cứu an ninh mạng Alperovitch, cho biết vụ rò rỉ dường như là hành vi của Nga nhằm tác động tới cuộc phản công của Ukraine. “Nếu có thật, việc rò rỉ các tài liệu này có thể gây thiệt hại đáng kể cho cuộc phản công của Ukraine vì thông tin này cung cấp hiệu quả cho Nga về mệnh lệnh chiến đấu của Ukraine”. Vụ rò rỉ là cơn ác mộng đối với Five Eyes, nhóm chia sẻ thông tin tình báo gồm Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada, và có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ trên thế giới. Ông Glenn Gerstell, cựu tổng cố vấn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách hệ thống lưu trữ tài liệu mật đã lỗi thời.

Giới chức Mỹ đang tiến hành xác định quan chức nào có quyền truy cập vào các tài liệu mật, và gấp rút truy tìm ra người chủ mưu khi họ lo ngại rằng những thông tin bị tiết lộ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi chúng rò rỉ theo tần suất đều đặn. Trước những luồng thông tin trái chiều từ các bên đưa ra cho đến thời điểm này, rất khó để đưa ra kết luận về việc ai đã tiết lộ thông tin mật và động cơ bởi chúng liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau, và vấn đề Ukraine chỉ là một trong số đó.

CNN dẫn lời ông Aric Toler, nhà nghiên cứu tại cơ quan điều tra Bellingcat, người đã lần theo dòng thời gian của các tài liệu được đăng, cho biết các tài liệu mật nằm trong máy chủ Minecraft Discord, một trò chơi điện tử phổ biến, trong một tháng và không ai để ý đến. Mãi cho đến tuần trước, các tài liệu bị rò rỉ mới bắt đầu được chú ý nhiều hơn sau khi ai đó đăng một phần tài liệu lên 4chan, một diễn đàn web phổ biến.

THƯ LÊ

.