Quốc tế
Lợi thế cạnh tranh lớn của hàng không Trung Quốc sau xung đột Ukraine
Trong những ngày đầu xung đột giữa Nga và Ukraine, Liên minh châu Âu và Nga đã đóng cửa không phận của nhau. Tình trạng này vẫn không thay đổi cho tới nay và bên hưởng lợi là các hãng hàng không Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Newscom |
Theo kênh CNN ngày 25-4, Trung Quốc đã kết nối lại với thế giới sau gần ba năm đóng cửa biên giới do Covid-19. Đây là một tin đáng mừng đối với thị trường du lịch đang phục hồi của thế giới nhưng lại khiến một số người trong ngành hàng không châu Âu lo lắng khi Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh lớn.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4, Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã thông báo rằng Airbus đã giành được những hợp đồng lớn ở Trung Quốc khi hai nước tuyên bố sẽ nối lại các tuyến hàng không về mức trước đại dịch càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, khôi phục các tuyến hàng không này có thể đơn giản hơn nhiều đối với các hãng hàng không Trung Quốc, nhưng với châu Âu thì không như vậy.
Chuyến bay dài hơn, nhiều nhiên liệu hơn
Tương tự hành khách bay trên các hãng hàng không châu Âu đến châu Á, Tổng thống Macron không bay trên tuyến đường nhanh nhất giữa Pháp và Trung Quốc vì máy bay của ông phải tránh không phận Nga.
Nhưng với các hãng hàng không Trung Quốc, các tuyến bay thẳng và nhanh hơn vẫn mở trên không phận Nga, do đó máy bay di chuyển trên tuyến này cần ít nhiên liệu hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn.
Ông Laurent Donceel, Giám đốc điều hành hiệp hội hàng không lớn nhất Liên minh châu Âu là Airlines for Europe (A4E) nói với CNN: “Việc Nga đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không châu Âu đã buộc các hãng hàng không châu Âu phải đi đường vòng, phải thực hiện nhiều tuyến bay hơn về phía Nam đến Đông và Đông Nam Á. Điều này dẫn đến thời gian bay dài hơn và tăng thêm nhiên liệu sử dụng trên các chuyến bay này”.
Trong số các thành viên của A4E có các hãng lớn như British Airways, Air France, KLM, Lufthansa và Finnair. Tất cả đều có lộ trình và thời gian bay bị ảnh hưởng do đóng cửa không phận Nga.
Finnair đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do vị trí gần Nga. Một chuyến bay giữa Helsinki (Phần Lan) và Singapore hiện phải bay thêm 1.400km. Giữa Helsinki và Seoul (Hàn Quốc), khách phải bay thêm 4.000km một chiều.
Ông Donceel cho biết: “1.400km sẽ tăng thêm 1,25 giờ cho chuyến bay và 4.000km sẽ tăng thêm 7 giờ cho chuyến khứ hồi giữa Helsinki và Seoul”.
Mặc dù điều đó chắc chắn gây ra nhiều bất tiện hơn cho hành khách, nhưng tình hình này cũng tác động tới vấn đề thương mại. Ông nói: “Điều này khiến các hãng hàng không châu Âu gặp bất lợi trong cạnh tranh”.
Ông Ben Smith, Giám đốc điều hành Tập đoàn Air France-KLM, gọi đó là một lợi thế không công bằng trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của Anh đăng ngày 17-2.
Hiện tại, các chuyến bay thẳng của hãng China Eastern (Trung Quốc) từ Thượng Hải tới Pháp mất 12 giờ, trong khi khách bay với hãng Air France (Pháp) phải mất 14 giờ.
Tương tự, chuyến bay thẳng của hãng hàng không Lufthansa (Đức) từ Frankfurt (Đức) đến Bắc Kinh mất 11 giờ, trong khi hãng Trung Quốc Air China chỉ cần 9 giờ.
Một số hãng hàng không phương Tây đã bỏ đường bay đến Đông Á. Ví dụ như Virgin Atlantic - hãng đã chính thức ngừng tuyến bay từ London (Anh) đến Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng 3 sau gần 30 năm phục vụ, với lý do tác động hậu cần khi bay đường vòng. Virgin Atlantic cho biết: “Trên cơ sở không phận Nga vẫn đóng cửa, thời gian bay giữa Heathrow - Hong Kong sẽ dài hơn khoảng 60 phút và thời gian bay giữa Hong Kong - Heathrow sẽ dài hơn 1 giờ 50 phút so với trước khi đóng cửa không phận”.
Người sáng lập Tập đoàn Virgin, ông Richard Branson, từng ủng hộ lệnh cấm tất cả các hãng hàng không Trung Quốc bay đến Anh mà qua không phận Nga. Ông nói rằng các hãng hàng không bay qua Nga đang gián tiếp giúp đỡ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Vấn đề an toàn
Không phận Nga giáp Ukraine đã bị đóng cửa đối với tất cả các hãng hàng không thương mại kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Trong bản tin cập nhật thông tin khu vực xung đột mới nhất vào ngày 16-3, Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cũng khuyến cáo các hãng hàng không bay qua không phận do Nga quản lý cần thận trọng do hoạt động quân sự gia tăng, có thể xảy ra các vụ phóng tên lửa tầm trung.
Ví dụ cho thấy rõ nhất nguy cơ bay gần các khu vực đang diễn ra xung đột là vào năm 2014, khi chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng.
Các đường bay châu Âu của hãng hàng không Trung Quốc không bay gần không phận Ukraine. Máy bay chủ yếu đi vào hoặc rời khỏi không phận Nga trên Biển Baltic, gần St. Petersburg.
Hiện tại, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại như trước đại dịch. China Southern Airlines vẫn sẽ chỉ có một chuyến bay mỗi tuần cho các tuyến nối Quảng Châu với Paris và Frankfurt cho mùa hè thu năm 2023, trong khi mức trước đại dịch là một chuyến/ngày.
Nhưng khi các hãng hàng không Trung Quốc dần hoạt động trở lại bình thường và cuộc xung đột Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt, các hãng hàng không châu Âu có thể phải đối mặt với những thách thức khốc liệt hơn trên các đường bay giữa châu Âu và Đông hoặc Đông Nam Á, tạo ra một số lựa chọn hấp dẫn cho hành khách.
Theo Báo Tin tức