Quốc tế

Nhật Bản trước bài toán bảo vệ yếu nhân

06:39, 17/04/2023 (GMT+7)

Việc một đối tượng ném thiết bị nổ về phía Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong sự kiện ngoài trời gần đây nhắc nhớ đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo vào năm ngoái. Sự vụ tiếp tục đặt giới chức trước bài toán bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các yếu nhân tại nơi công cộng, đặc biệt khi nước này đăng cai hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Nghi phạm Kimura Ryuji (ở giữa, áo đen) bị bắt giữ ngay sau khi ném thiết bị nổ vào Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 15-4. Ảnh: Reuters
Nghi phạm Kimura Ryuji (ở giữa, áo đen) bị bắt giữ ngay sau khi ném thiết bị nổ vào Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 15-4. Ảnh: Reuters

Ngày 15-4, một người đàn ông ném vật chứa chất nổ hướng về phía Thủ tướng Kishida trong lúc ông chuẩn bị phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại cảng cá Saikazaki (tỉnh Wakayama). Ông Kishida không bị thương và sau đó đã được sơ tán an toàn, trong khi thủ phạm bị bắt giữ ngay tại hiện trường. Vụ nổ gây tiếng động lớn, khiến đám đông hốt hoảng tìm nơi ẩn nấp. Thiết bị nổ có thể là “quả bom ống sắt” vì có hình trụ và phun khói. Thủ phạm là Kimura Ryuji, 24 tuổi, sống tại thành phố Kawanishi (tỉnh Hyogo). Giới chức đang tiếp tục điều tra làm sáng tỏ vụ việc.

Vẫn còn lỗ hổng

Mặc dù Thủ tướng Fumio bình yên vô sự và tiếp tục lịch trình diễn thuyết tại Chiba nhưng cảm giác hoang mang vẫn bao trùm đa phần công chúng Nhật Bản. BBC lý giải, sự vụ này vẫn gây sốc bởi hai điều: thứ nhất là Nhật Bản là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới với cơ chế kiểm soát súng rất nghiêm ngặt; thứ hai là vụ tấn công mới nhất này xảy ra chưa đầy một năm sau khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người tiền nhiệm của ông Kishida, bị ám sát khi cũng đang phát biểu vận động tranh cử trước đám đông.

BBC chỉ ra những điểm khác biệt lớn giữa hai vụ tấn công. Không giống như ông Abe, ông Kishida được sơ tán rất nhanh và kẻ tấn công bị xử lý kịp thời. Một đoạn video còn cho thấy tấm khiên được sử dụng để bảo vệ ông Kishida vào thời điểm vụ nổ xảy ra. Một số người trên mạng xã hội cho biết, người đầu tiên phát hiện và trấn áp kẻ tấn công lại là một ngư dân ở giữa đám đông và đứng ngay bên cạnh nghi phạm.

Tuy nhiên, có sự tương đồng đáng lo ngại giữa hai vụ tấn công, qua đó tiếp tục phơi bày lỗ hổng trong công tác bảo vệ yếu nhân. Cụ thể, trong vụ tấn công bằng bom khói, các video cho thấy nghi phạm đang cầm vật thể kim loại không xác định khi đứng giữa đám đông và kích hoạt thiết bị nổ ở cự ly rất gần với ông Kishida. Tương tự, trong vụ ám sát ông Abe, kẻ tấn công cũng đứng rất sát sau lưng chính trị gia này và bắn ông bằng súng tự chế. Theo các nhà phân tích, cả hai nghi phạm đều tính toán kỹ lưỡng trước khi tiến hành tấn công. GS. Mitsuru Fukuda, chuyên về quản lý rủi ro khẩn cấp và khủng hoảng tại Đại học Nihon cho rằng, giới chức tiếp tục mắc sai lầm khi lựa chọn địa điểm để ông Kishida phát biểu và lẽ ra phải có khoảng cách lớn hơn giữa ông và khán giả.

Tăng cường biện pháp bảo vệ toàn diện

Ngay sau vụ tấn công ngày 15-4, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno chỉ thị Cảnh sát quốc gia (NPA) thực hiện các biện pháp toàn diện để bảo vệ quan chức cấp cao ở nước này. Phát biểu với báo giới ngày 16-4, Thủ tướng Kishida lên án vụ ném bom khói khi khẳng định: “Không bao giờ có thể dung thứ hành động bạo lực diễn ra trong những cuộc bầu cử, vốn là nền tảng của nền dân chủ.”. Tokyo cam kết thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm an toàn cho các quan chức nước ngoài tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra; đồng thời tiếp tục tăng cường an ninh cho chiến dịch vận động tranh cử Hạ viện bổ sung vào cuối tháng 4-2023.

Động cơ của vụ tấn công bằng bom khói vẫn chưa rõ ràng nhưng khiến dư luận đặt câu hỏi: liệu vụ ám sát ông Abe vào tháng 7-2022 có thể kích thích các vụ tấn công tương tự xảy ra hay không?. Thực tế, tại chiến dịch bầu cử ở Nhật Bản, dù ở cấp quốc gia hay địa phương, đều diễn ra trong không khí thân mật khi các nhà lãnh đạo thích tiếp cận đám đông, bắt tay và nói chuyện với cử tri. Điều này thực sự đặt ra rủi ro đáng ngại về an ninh.

Ông Itabashi Isao, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu của Hội đồng Chính sách công nhận định, vụ tấn công vào một thủ tướng đương nhiệm là vấn đề rất nghiêm trọng và tiếp tục đặt thách thức lớn đối với kế hoạch bảo đảm an ninh tại các sự kiện trong tương lai có các nhà lãnh đạo tham dự. Chuyên gia chống khủng bố này kêu gọi tính cấp thiết phải thảo luận kỹ lưỡng biện pháp an ninh được áp dụng trong các chiến dịch vận động tranh cử sắp tới.

Trong khi đó, người dân cũng đồng quan điểm. “Các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia đang đến đây nên công tác thắt chặt an ninh như hiện nay là rất cần thiết. Tôi nghĩ được an ninh tăng cường nên tiếp tục tăng cường ở mức độ cao hơn bởi không gian quá rộng ở Karuizawa, nơi diễn ra hội nghị G7”, một người dân nói.

THƯ LÊ

.