Đà Nẵng cuối tuần

Đức đoạn tuyệt với điện hạt nhân

15:54, 15/04/2023 (GMT+7)

Theo kế hoạch được đưa ra cách đây 20 năm, Đức sẽ đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng chậm nhất ngày 15-4-2023. Tuy nhiên, kế hoạch này gây nhiều tranh cãi khi các chuyên gia cho rằng, với tốc độ thúc đẩy năng lượng tái tạo hiện tại, Đức khó đạt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng xanh.

Nhà máy điện hạt nhân Emsland tại bang Hạ Sachsen của Đức. Ảnh: RWE
Nhà máy điện hạt nhân Emsland tại bang Hạ Sachsen của Đức. Ảnh: RWE

Năng lượng hạt nhân từng được xem là “tương lai của nhân loại” do thỏa mãn nhu cầu điện năng tăng mạnh trên toàn cầu, lò phản ứng hạt nhân lại không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, lượng chất thải hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với lượng thải khổng lồ của năng lượng hóa thạch vào khí quyển.

Ngăn ngừa rủi ro từ năng lượng hạt nhân

Từ năm 2002, Đức bắt đầu loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Năm 2011, sau thảm họa động đất và sóng thần Fukushima ở Nhật Bản, Berlin quyết định sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trong vòng 10 năm dù các nhà máy điện hạt nhân thời điểm đó cung cấp khoảng 25% sản lượng điện cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Quyết định của bà Angela Merkel lúc làm Thủ tướng đã gây sốc cho thị trường năng lượng của Đức và cả thế giới, bởi nhiều nước phương Tây vẫn theo đuổi năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Bà Merkel cho rằng, một quốc gia công nghệ cao như Nhật Bản cũng không thể kiểm soát an toàn những rủi ro từ năng lượng hạt nhân, Đức cần phải tạo ra hệ thống năng lượng an toàn cho tương lai.

Theo kế hoạch, tiến trình Đức đoạn tuyệt với điện nguyên tử chậm nhất là cuối năm 2022. Song, khi Nga cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ liên quan cuộc xung đột tại Ukraine hồi tháng 2-2022 khiến Đức rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất, Berlin phải kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân đến ngày 15-4-2023.

Hình ảnh những đám mây hơi nước màu trắng bốc lên từ các lò phản ứng của các nhà máy hạt nhân Neckarwestheim 2 ở Baden-Wurttemberg, Isar 2 ở phía nam bang Bavaria và Emsland ở Lower Saxony sẽ trở thành ký ức đối với người dân Đức. Năm 2022, các nhà máy hạt nhân Neckarwestheim 2, Isar 2 và Emsland chỉ đáp ứng 6% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức, so với mức đóng góp 30,8% từ tất cả các nhà máy hạt nhân vào năm 1997.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo của Đức chiếm tỷ trọng 46%, tăng từ mức dưới 25% của 10 năm trước. Khi không còn điện hạt nhân, Đức phải tăng sản lượng điện gió cũng như điện mặt trời để bù đắp cho sản lượng điện than đang giảm dần và tiến tới chấm dứt việc sử dụng than vào năm 2030. Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ thúc đẩy năng lượng tái tạo hiện tại, Đức khó có thể đạt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng xanh.

Nhiều ý kiến tranh cãi

Ưu điểm của điện hạt nhân là tính ổn định cao hơn so với một số loại năng lượng tái tạo khác như điện gió hay điện mặt trời, nhưng chi phí vận hành các nhà máy điện hạt nhân thường lớn hơn. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do mất nguồn cung từ Nga, đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức không ủng hộ việc đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, mà muốn duy trì các nhà máy ở chế độ “chờ” một thời gian để có thể nhanh chóng kích hoạt lại trong trường hợp cần thiết. Không những thế, đảng FDP còn muốn tái khởi động những nhà máy đã đóng cửa. Ông Volker Wissing - Bộ trưởng Giao thông Đức, thành viên đảng FDP - lý giải rằng những lợi ích về môi trường mà ngành công nghiệp xe điện mang lại sẽ không cao nếu ô-tô điện không được sạc bằng điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó, đảng Xanh - một trong ba đảng tham gia liên minh cầm quyền - coi việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân là một trong các ưu tiên lớn nhất đối với những chính sách môi trường. Trong các cương lĩnh tranh cử nhiều năm qua, đảng Xanh luôn vận động chấm dứt việc sử dụng điện hạt nhân tại Đức.
Nước Đức giờ đây phải tìm kiếm nguồn năng lượng bổ sung sau ngày 15-4-2023. Đoạn tuyệt với điện hạt nhân không chỉ là câu chuyện riêng của Đức, mà nhiều nước châu Âu khác cũng phải đối mặt với bài toán quy hoạch tổng thể năng lượng trong tương lai.

Mỹ đầu tư vào năng lượng hạt nhân

Trong cơ cấu năng lượng của Mỹ, điện hạt nhân chiếm 9%, xếp thứ 5 sau dầu mỏ (35%), khí đốt (34%), năng lượng tái tạo (12%) và than (10%). Hiện có 57 nhà máy điện hạt nhân với 95 lò phản ứng trải khắp 28 bang của Mỹ, cung cấp hơn 50% lượng điện sạch không phát thải CO2. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ đoạn tuyệt với điện hạt nhân như Đức, bởi chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách duy trì hoạt động của nhiều nhà máy điện hạt nhân.

Đầu tháng 3 vừa qua, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp khoản viện trợ 1,2 tỷ USD để gia hạn vận hành các nhà máy điện hạt nhân đã hoặc sắp hết thời gian hoạt động. Khoản kinh phí này được trích từ chương trình Tín dụng hạt nhân dân sự trị giá 6 tỷ USD dựa trên Đạo luật cơ sở hạ tầng năm 2021. Nhóm cố vấn về khí hậu của Tổng thống Biden tin rằng, năng lượng hạt nhân là nguồn điện cần được duy trì và mở rộng để đạt mục tiêu cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch vào năm 2035.

KHÁNH LINH (theo AFP, ARS)

.