Quốc tế

Thông điệp mới trong chính sách đối ngoại của Nga

09:18, 03/04/2023 (GMT+7)

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký phê chuẩn khái niệm chính sách đối ngoại mới, cung cấp góc nhìn tổng thể về những ưu tiên đối ngoại then chốt của Nga, trong đó xác định Mỹ là mối đe dọa lớn nhất mà nước này phải đối mặt, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ là những đối tác chính trong tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan tháng 9-2022. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan tháng 9-2022. Ảnh: Reuters

Những thay đổi mang tính cách mạng trên trường quốc tế, đặc biệt là mối quan ngại gia tăng của Nga về “cuộc chiến hỗn hợp kiểu mới” do phương Tây dẫn dắt được xem là lý do chính khiến Moscow phải sửa đổi học thuyết chính sách đối ngoại kể từ năm 2016. Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố, dựa theo học thuyết mới này, Nga có thể thực hiện các biện pháp đáp trả các hành động không thân thiện đối với nước này.

Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền với Ấn Độ

Theo RT, điểm nhấn đáng chú ý trong chính sách đối ngoại mới chính là việc Nga đang đặt mối quan hệ với Trung Quốc ngang hàng với Ấn Độ. Song song với kế hoạch thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược với Trung Quốc, Nga sẽ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền với Ấn Độ, ưu tiên mở rộng hợp tác ở mọi lĩnh vực, trên cơ sở cùng có lợi. Theo đó, Moscow đặc biệt chú trọng tăng khối lượng thương mại song phương với New Delhi, tăng cường đầu tư và công nghệ, đồng thời bảo đảm khả năng chống lại các hành động phá hoại của các quốc gia không thân thiện.

Ấn Độ cũng được đề cập trong mối liên quan đến các tổ chức khu vực và quốc tế. Để điều chỉnh trật tự thế giới cho phù hợp với thực tế của thế giới đa cực, Nga dự định ưu tiên tăng cường năng lực và vai trò quốc tế của nhóm và tổ chức có sự tham gia của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Tài liệu nêu rõ, Trung Quốc và Ấn Độ là những đối tác chính giúp Nga theo đuổi dự án hàng đầu trong thế kỷ 21 về nỗ lực biến Á-Âu thành không gian toàn lục địa hòa bình, ổn định, tin tưởng lẫn nhau, phát triển và thịnh vượng. Theo đó, Moscow dự định kết hợp tiềm năng của tất cả các quốc gia, tổ chức khu vực và hiệp hội Á-Âu, thông qua Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bên cạnh xác định đồng minh chủ chốt nói trên, Nga cũng tìm cách phát triển hợp tác với tất cả các chủ thể lớn ở châu Á, gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập và các nước khác, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ chính sách hướng Đông. Đối với khu vực Mỹ Latinh, Nga đặt mục tiêu tăng cường quan hệ hữu nghị hiện có với các quốc gia như Brazil, Cuba và Venezuela.

Xác định mối đe dọa lớn đối với hòa bình quốc tế

Theo TASS, chính sách đối ngoại mới của Nga cũng xác định, “chính sách hung hăng chống Nga” do Mỹ và các đồng minh dẫn dắt chính là rủi ro lớn đối với an ninh của Nga, cũng như đối với an ninh, hòa bình quốc tế và sự phát triển tiến bộ của nhân loại. Để điều chỉnh trật tự thế giới cho phù hợp với thực tế của một thế giới đa cực, Nga dự định ưu tiên xóa bỏ dấu tích thống trị của Mỹ và các quốc gia không thân thiện khác trong các vấn đề toàn cầu. Moscow nhấn mạnh, chỉ có những nỗ lực chung của toàn thể cộng đồng quốc tế trên cơ sở cân bằng quyền lực và lợi ích mới có thể đưa ra giải pháp cho vô số vấn đề phức tạp hiện nay.

Tuy nhiên, học thuyết mới vẫn duy trì quan điểm của Moscow về việc không coi Mỹ và các đồng minh là đối thủ. “Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây và không có ý định thù địch với phương Tây”, tài liệu nêu. Moscow vẫn muốn chung sống hòa bình và cân bằng lợi ích với Washington; đồng thời hy vọng phương Tây sẽ đảo ngược chính sách thù địch, tham vọng bá quyền và nối lại sự hợp tác thực chất với Nga trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Nga làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ

Từ ngày 1-4, Nga trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), chức vụ luân phiên hằng tháng của 15 thành viên hội đồng, gồm 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực, theo thứ tự bảng chữ cái. Với vai trò này, Nga sẽ chịu trách nhiệm về chương trình nghị sự của hội đồng và triệu tập các cuộc họp quan trọng. Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky tuyên bố, Moscow sẽ hành động như bên trung gian trung thực trong nhiệm kỳ chủ tịch và những nỗ lực khiêu khích Moscow chắc chắn thất bại. Ukraine cực lực phản đối vai trò mới của Nga, trong khi Mỹ cũng chỉ trích tư cách thành viên thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an.

THƯ LÊ

.