Quốc tế

Cuộc chạy đua mới trên bán đảo Triều Tiên

09:40, 30/05/2023 (GMT+7)

Theo Kyodo, ngày 29-5 Triều Tiên thông báo cho Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Chính phủ Nhật Bản về kế hoạch thiết lập vùng biển nguy hiểm để Bình Nhưỡng phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 31-5 đến ngày 11-6. Động thái diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Bình Nhưỡng chuẩn bị đưa vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào quỹ đạo.

Trước đó, ngày 16-5, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát ủy ban không thường trực chịu trách nhiệm chuẩn bị phóng vệ tinh để kiểm tra tình trạng tổng thể của vệ tinh do thám quân sự và phê duyệt kế hoạch hành động tương lai. KCNA nêu rõ: “Ông Kim Jong-un đã kiểm tra vệ tinh trinh sát quân sự số 1, vốn đã sẵn sàng để phóng sau khi trải qua kiểm tra tổng thể lần cuối và thử nghiệm môi trường không gian”.

Ông Kim Jong-un nhấn mạnh, việc phóng thành công vệ tinh là yêu cầu cấp bách trong môi trường an ninh phổ biến và là quá trình tăng cường khả năng phòng thủ trên cơ sở ưu tiên hàng đầu, đồng thời ra lệnh triển khai một loạt vệ tinh để tăng cường khả năng do thám. Ông cũng cho biết, việc Mỹ và Hàn Quốc ngày càng leo thang các động thái mang tính đối đầu nhằm chống lại Triều Tiên thì nước này sẽ thực hiện quyền tự vệ để ngăn chặn một cách công bằng, trực diện và mạnh mẽ hơn. Trước đó, Triều Tiên tuyên bố theo đuổi nhiều dự án phát triển không gian vũ trụ hơn và sẵn sàng trở thành cường quốc không gian toàn cầu vì không gian vũ trụ thuộc về toàn nhân loại, không phải thứ bị độc quyền hoặc do một quốc gia cụ thể sở hữu.

Hàng loạt động thái trên càng củng cố khả năng Bình Nhưỡng sắp phóng vệ tinh do thám quân sự để tăng cường sức mạnh răn đe. Bloomberg dẫn lời nhà sử học quân sự David Silbey từ Đại học Cornell (Mỹ) cho biết: “Một trong những mục đích sử dụng của vệ tinh là nhắm mục tiêu cho vũ khí. Thật đáng lo ngại khi Bình Nhưỡng sở hữu loại năng lực cấp cao này”.

Trong diễn biến liên quan, Hàn Quốc vừa phóng thành công tên lửa Nuri (KSLV-II) được phát triển hoàn toàn bằng công nghệ nội địa vào vũ trụ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực tham gia cuộc chạy đua thăm dò, khai thác không gian vũ trụ với các nước láng giềng châu Á và thế giới. Kỳ tích này giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phát triển thành công phương tiện vận tải lên không gian, có thể mang theo vệ tinh nặng hơn 1 tấn, sau Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Với hơn 300 công ty nội địa tham gia vào việc sản xuất tới gần 300.000 bộ phận của tên lửa Nuri, Hàn Quốc kỳ vọng thúc đẩy và hỗ trợ các công ty vũ trụ trong nước trở thành những “Space X” trong tương lai. Theo Yonhap, tên lửa Nuri thực hiện nhiệm vụ đưa 8 vệ tinh lên quỹ đạo ở độ cao 550km. Trong 8 vệ tinh này, có một vệ tinh nhỏ NEXTSat 2, do Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (KAIST) phát triển với mục tiêu thương mại hóa công nghệ vũ trụ. Vệ tinh nội địa này có khả năng quan sát trái đất cả ngày lẫn đêm mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Đây là lần phóng thứ ba của tên lửa Nuri, sau hai lần phóng và đặt thành công các vệ tinh thử nghiệm lên quỹ đạo, thể hiện tham vọng của Seoul về công nghiệp hóa không gian.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, cấu trúc địa-chính trị một số khu vực cũng thay đổi đáng kể, việc Hàn Quốc phóng tên lửa Nuri và Bình Nhưỡng tiến hành những khâu cuối cùng để phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên cho thấy đây là cuộc chạy đua mới đầy tham vọng, tốn kém và hàm chứa nhiều thông điệp khác nhau. Mặt khác, nó còn có nguy cơ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang, làm gia tăng hàng loạt mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng giữa các bên liên quan trên bán đảo Triều Tiên kể từ cuối năm 2022 đến nay khi các cuộc tập trận  quy mô lớn chưa từng có, bắn đạn thật và thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo và cả tên lửa siêu thanh liên tiếp diễn ra.

TUYẾT MINH

.