Quốc tế

Hội nghị cấp cao ASEAN 42: Bước phát triển quan trọng của khu vực

08:34, 10/05/2023 (GMT+7)

Diễn ra từ ngày 9 đến 11-5 tại Indonesia, hội nghị cấp cao ASEAN 42 là bước phát triển quan trọng của các nước khu vực trong việc thực hiện các cố gắng, nỗ lực phối hợp, hợp tác, hành động xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trước những diễn biến phức tạp mang tính toàn cầu, hội nghị truyền tải thông điệp chung tay thúc đẩy phục hồi kinh tế một cách bền vững và bao trùm.

Các đại biểu dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN 42 tại Labuan Bajo (Indonesia) ngày 9-5. Ảnh: Antara
Các đại biểu dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN 42 tại Labuan Bajo (Indonesia) ngày 9-5. Ảnh: Antara

Sự kiện lần này diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực hoàn tất Kế hoạch tổng thể 2025 trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội; đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Tập trung thảo luận các vấn đề nội khối

Dự kiến, hội nghị sẽ thông qua một số văn kiện quan trọng như Tuyên bố chung về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; Tuyên bố chung về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; phòng chống tội phạm buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ; bảo vệ lao động di cư trong thời kỳ khủng hoảng; củng cố cấu trúc y tế khu vực; phát triển mạng lưới làng ASEAN; tiến độ thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar…

Về trụ cột “ASEAN tầm vóc”, một trong 3 trụ cột chính của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia bên cạnh các trụ cột “Tâm điểm của tăng trưởng” và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), một số vấn đề sẽ tiếp tục được thúc đẩy thảo luận, gồm đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), tăng cường thể chế hóa Đối thoại nhân quyền ASEAN, Lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên thứ 11 của ASEAN và ký kết Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Ngày 9-5, Antara dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định, nước này sẽ thúc đẩy củng cố nền tảng của ASEAN. Bà Marsudi nêu rõ: “Hội nghị sẽ thảo luận và đề xuất với các nhà lãnh đạo về cách thức xây dựng nền tảng vững chắc, tầm nhìn dài hạn và tăng cường năng lực của ASEAN. Chúng ta nên coi những thành tựu đạt được là tài sản quý giá để xây dựng một ASEAN vững mạnh và gắn kết hơn”, bà Retno nói.

Đông Nam Á hướng đến trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu

Theo Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, ASEAN tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm từ các đối tác bên ngoài, trong đó một số nước mong muốn nâng cấp quan hệ và tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Trong vài năm gần đây, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác không ngừng được tăng cường và đạt nhiều kết quả khả quan. Kinh tế ASEAN ghi nhận sự tăng trưởng phi thường, đưa khu vực này trở thành nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Antara dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi các nước ASEAN phát huy sức mạnh sản xuất để đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm tăng trưởng của thế giới. Quyết tâm này phù hợp với một trong những trụ cột trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia. Ông Widodo cho biết, nhiều sản phẩm của thế giới có nguồn gốc từ các nước ASEAN. Đây chính là lợi thế to lớn để thúc đẩy khối này trở thành trung tâm sản xuất, phù hợp với tiềm năng của khu vực. Với tổng dân số khoảng 650 triệu người, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì trên mức trung bình toàn cầu. ASEAN thực sự có tiềm năng to lớn để hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế, tâm điểm của tăng trưởng.

Các nước ASEAN có thể trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, chẳng hạn như ti-vi, pin và xe điện. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết, trong chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia quyết tâm góp phần thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác ở nhiều lĩnh vực, gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, sức khỏe và ổn định tài chính. Quan chức này nhấn mạnh, một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và ưu tiên hợp tác bao trùm chính là “chìa khóa” để ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng của khu vực và thế giới.

ASEAN thu hút thêm các đối tác
Theo Antara, Vụ trưởng Hợp tác ASEAN kiêm Trưởng hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) của Indonesia, ông Sidharto Reza Suryodipuro, cho biết, một số quốc gia đã nộp đơn xin trở thành đối tác của ASEAN. Theo đó, 3 nước sẵn sàng ký hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) là Saudi Arabia, Panama và Tây Ban Nha. “Indonesia, với tư cách là chủ tịch ASEAN 2023, đang điều phối giúp ba nước hoàn tất việc ký hiệp ước ngay trong năm nay,” ông Suryodipuro nói. Ra đời vào năm 1976, TAC là hiệp ước nhằm tạo ra sự ổn định chính trị và an ninh ở Đông Nam Á, và quy định cơ chế giải quyết xung đột. Đến nay, ASEAN đã thiết lập một số hình thức hợp tác bên ngoài, cả với các đối tác đối thoại cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế khác.

TTXVN - THƯ LÊ

.