Quốc tế
Nhật Bản - Hàn Quốc hướng đến quan hệ bền lâu
Ngày 7-5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến Hàn Quốc để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk-yeol, đánh dấu việc nối lại toàn diện phương thức ngoại giao con thoi giữa lãnh đạo hai nước sau 12 năm, qua đó tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và hiện diện gia tăng của Trung Quốc trong khi Mỹ củng cố liên minh trên khắp châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (bên phải) tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Seoul ngày 7-5. Ảnh: Yonhap |
Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản sau 12 năm, diễn ra chỉ hai tháng sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol đến Tokyo vào tháng 3-2023 để tìm cách khép lại các tranh chấp lịch sử vốn khiến hai nước mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn căng thẳng trong thời gian khá dài.
Đàm phán cởi mở nhiều vấn đề lớn
Yonhap dẫn lời Tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 7-5 khẳng định: “Quan hệ song phương đang cải thiện một cách nghiêm túc. Tôi cảm thấy phải có trách nhiệm tạo ra chương mới trong quan hệ song phương, thậm chí còn tốt hơn cả thời kỳ trước đây”. Nội dung của hội nghị tập trung vào các vấn đề như an ninh, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, văn hóa. Vấn đề Triều Tiên cũng là chủ đề quan trọng khi hợp tác Nhật Bản - Hàn Quốc và cơ chế phối hợp 3 bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đang đi đúng hướng trong bối cảnh Triều Tiên hoàn thiện năng lực hạt nhân, gồm các tên lửa có khả năng mang bom nguyên tử tới Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Nỗ lực khôi phục tư cách là đối tác thương mại đáng tin cậy của nhau cũng là điểm nhấn đáng chú ý khác. Theo đó, hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ lợi ích chung trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn và pin. Đáng chú ý, Tokyo và Seoul sẽ tìm cách tăng cường hợp tác kinh doanh và quân sự với Mỹ ngay cả khi vẫn lưu tâm đến tầm quan trọng của việc giữ vững mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Theo các nhà quan sát, đây là sự cân bằng tinh tế trong tình hình cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc còn phức tạp.
Sự tan băng giữa Seoul và Tokyo đánh dấu chiến thắng tiếp theo cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi hỗ trợ Washington thúc đẩy hợp tác ba bên với hai đồng minh châu Á chủ chốt để ứng phó với thách thức chung trong thời điểm tình trạng thế giới bị chia cắt thành các khối địa-chính trị cạnh tranh với nhau có nguy cơ thu hẹp cơ hội hợp tác giữa các cường quốc trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Việc nối lại hoạt động ngoại giao con thoi diễn ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh ba bên bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima vào cuối tháng này.
Hàn Quốc vẫn chờ đợi lời xin lỗi
Bloomberg dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản thừa nhận, hai nước có rất nhiều cơ hội hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, cũng như bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuy nhiên, những khác biệt lịch sử có nguy cơ phủ bóng đen lên mối quan hệ đang nồng ấm trở lại. Thực tế, dù mục đích của hội nghị là nối lại ngoại giao con thoi nhưng dư luận đều hiểu rằng nhiều vấn đề tế nhị, gồm hợp tác an ninh, xử lý nước nhiễm xạ và các vấn đề lịch sử như lao động cưỡng bức thời chiến, đang khiến các bên phải chật vật để đi đến thống nhất về thỏa thuận thân thiện hơn.
Tổng thống Hàn Quốc đang đối mặt với những lời chỉ trích trong nước rằng ông đã cho đi nhiều hơn những gì nhận được trong nỗ lực xích lại gần hơn với Nhật Bản. Theo GS. Shin-wha Lee tại Đại học Hàn Quốc, trái với quan điểm của ông Yoon Suk-yeol về gác lại quá khứ, hướng tới tương lai với Nhật Bản, phần lớn người Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản vẫn chưa có lời xin lỗi rõ ràng đối với các nạn nhân bị cưỡng bức trong giai đoạn đô hộ của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1945. “Dư luận Hàn Quốc kêu gọi Thủ tướng Kishida thể hiện sự chân thành trong chuyến thăm, chẳng hạn như đề cập thẳng thắn các vấn đề lịch sử và gửi lời xin lỗi chính thức”, bà Shin-wha Lee nói.
Trước đó, trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon Suk-yeol vào tháng 3-2023, Thủ tướng Kishida không đề cập đến “lời xin lỗi và suy ngẫm về quá khứ thực dân” như từng được nêu trong Tuyên bố chung năm 1998 được cựu Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi thông qua. Thay vào đó, lập trường của ông Kishida chỉ giới hạn ở việc kế thừa quan điểm trước đó của các chính quyền tiền nhiệm về vấn đề lịch sử với Hàn Quốc. Dẫu sao, theo giới phân tích, phản ứng dữ dội của đa phần công chúng Hàn Quốc sẽ phần nào dịu hơn một chút, bởi xét cho cùng Nhật Bản thực sự là quốc gia mạnh để hợp tác dài lâu.
THƯ LÊ